Còn với mỗi CBCNV của EVNNPC, trên hành trình đó, thành công được ghi đậm bằng dấu ấn “nữ tư lệnh” của Tổng công ty – người đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết, thổi luồng sinh khí mới, tạo nên sự đột phá trong mọi hoạt động của Tổng công ty – bà Đỗ Nguyệt Ánh.
Muôn trùng khó khăn
52 năm xây dựng và trưởng thành, EVNNPC là “anh cả đỏ”, là cái nôi của ngành Điện Việt Nam. Tổng công ty có một bề dày truyền thống và lịch sử hào hùng. EVNNPC cũng là điểm sáng của ngành Điện trong hành trình điện khí hóa nông thôn; cung cấp đủ điện cho 27 tỉnh, thành phố phía Bắc với sản lượng điện thương phẩm nhiều năm liền luôn đạt ở 2 con số, tăng trưởng điện thương phẩm cao nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngoài ra, Tổng công ty cũng là đơn vị quản lý vận hành lưới điện 110 kV và lưới trung, hạ áp có quy mô lớn nhất EVN. Cùng với đó là bảng vàng thành tích được Đảng, Nhà nước trao tặng mà không phải đơn vị nào trong ngành Điện cũng có được.
Thế nhưng, song hành với bề dày thành tựu đó là không ít khó khăn, thách thức trên hành trình đổi mới, phát triển, nhất là công tác ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Là cái nôi của ngành Điện, nên nhiều tài sản của EVNNPC được đầu tư từ rất lâu năm với công nghệ cũ, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khi ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT), không hỗ trợ số hóa; nhiều tài sản được tiếp nhận từ các tổ chức ngoài ngành Điện với hệ thống lưới điện cũ kỹ, không đạt các yêu cầu về kỹ thuật vận hành. Trình độ CNTT của CBCNV không đồng đều, đặc biệt là ở những đơn vị miền núi, vùng sâu, vùng xa; hệ thống đơn vị từ Tổng công ty đến các Công ty, điện lực và tới các tổ đội có quy mô lớn, qua nhiều cấp nên các quy trình nghiệp vụ rất phức tạp…
Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của Tổng công ty trải rộng trên 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, từ đồng bằng ven biển đến trung du, miền núi, hải đảo; miền Bắc cũng là khu vực hứng chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa bão, lũ lụt, băng giá, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Hơn 74,5% khách hàng của EVNNPC thuộc khu vực nông thôn, miền núi, chưa có thói quen sử dụng, trải nghiệm các ứng dụng số cũng là thách thức không nhỏ của Tổng công ty trên lộ trình số hóa.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh chia sẻ, trong các Tổng công ty phân phối trực thuộc EVN, có thể nói EVNNPC là đơn vị gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số. Thế nhưng nếu vì khó mà chùn bước, nếu vì khó mà không thực hiện nhanh, chúng tôi sẽ chậm chân trong việc cải tổ chính bản thân mình cũng như chậm chân trong việc cung cấp những dịch vụ, trải nghiệm cho khách hàng.
Có thể thấy, với vị trí là người thuyền trưởng của Tổng công ty, bà đã thẳng thắn nhìn nhận vị thế của Tổng công ty trong EVN nói riêng, trong khu vực nói chung, để từ đó cùng với Ban lãnh đạo Tổng công ty quyết tâm đột phá.
Tiên phong, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
“Nữ tư lệnh” của EVNNPC xác định, yếu tố thành công để làm nên chuyển đổi số là người đứng đầu phải vào cuộc. Người đứng đầu phải trực tiếp tìm hiểu, chịu trách nhiệm và hiểu rõ cần chuyển đổi số ở lĩnh vực nào, vướng mắc ở đâu để có những quyết định kịp thời. Không chỉ dừng lại ở lời nói, bà đã tiên phong, gương mẫu đi đầu, tạo “sức nóng” để cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. “Ở EVNNPC, tôi là người chịu trách nhiệm và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các Ban, Giám đốc các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm ở đơn vị mình”, bà Đỗ Nguyệt Ánh khẳng định.
Bắt tay ngay vào hành động, khi những khái niệm về chuyển đổi số như điện toán đám mây, Icloud, internet vạn vật, Bigdata rất trừu tượng và phức tạp, Ban lãnh đạo EVNNPC mà tiên phong là bà Đỗ Nguyệt Ánh đã xây dựng một định nghĩa chuyển đổi số đối trong Tổng công ty theo hướng đơn giản, dễ hiểu, xúc tích và chuẩn xác: “Định nghĩa chuyển đổi số của EVNNNPC là xây dựng Tổng công ty trở thành một hệ sinh thái gồm các phần tử mà tất cả các phần tử này đều được thể hiện dưới dạng số và giao tiếp với nhau trên môi trường số”.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV EVNNPC
Trên cơ sở định nghĩa đó, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã xây dựng một kế hoạch, chương trình hành động, với những đường hướng, mục tiêu, lộ trình cụ thể. Một hệ thống các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số cũng đã được ban hành mang tính chất tổng thể, không chỉ dừng lại ở các giải pháp về công nghệ, mà còn là các giải pháp về quy trình, nhân lực, truyền thông cũng như các giải pháp về chuyển đổi tư duy…
“Chúng tôi có thể tự tin, tự hào nói rằng, giờ đây, ở EVNNNPC việc chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở giấy tờ, ở kế hoạch, ở truyền thông với những bài báo về chuyển đổi số, mà chuyển đổi số đã trở thành hoạt động hằng ngày của Tổng công ty”, bà Đỗ Nguyệt Ánh nhấn mạnh.
Đột phá từ tư duy
Trong khó khăn, những thành quả thu được sẽ càng quý giá. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, CBCNV, EVNNPC đã số hóa thành công quy trình Tài chính kế toán và Kinh doanh – Dịch vụ khách hàng. Đây là mốc son quan trọng, đánh dấu thành công đầu tiên của Tổng công ty trong lộ trình chuyển đổi số. Đặc biệt, từ một đơn vị còn nhiều hạn chế trong ứng dụng công nghệ số, EVNNPC đã trở thành đơn vị tiên phong của Tập đoàn trong số hóa quy trình nghiệp vụ.
Đánh giá về thành tựu của EVNNPC, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh, Tài chính kế toán và Kinh doanh - Dịch vụ khách hàng, là hai 2 lĩnh vực cơ bản quan trọng của các đơn vị thuộc khối phân phối. Tổng công ty đã chọn đúng điểm, đúng lĩnh vực để đột phá trong công tác chuyển đổi số và thể hiện sự hưởng ứng tích cực tham gia thực hiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Đặc biệt, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đánh giá cao sự đổi mới tư duy của người đứng đầu Tổng công ty trong chuyển đổi số. Lãnh đạo EVN chia sẻ: Trước đây, EVNNPC còn một số hạn chế trong công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Bên cạnh những khó khăn khách quan, còn có sự chưa chủ động, nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo và CBCNV để thực hiện đổi mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, EVNNPC đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi về nhận thức trong công tác chuyển đổi số từ người đứng đầu, đội ngũ lãnh đạo đến toàn thể CBCNV.
Có thể khẳng định, sự thay đổi về nhận thức, tư duy của đội ngũ đứng đầu Tổng công ty mà lãnh đạo EVN nhắc đến, vai trò của “nữ tư lệnh” Đỗ Nguyệt Ánh đặc biệt quan trọng. Giữ cương vị Tổng giám đốc EVNNPC từ tháng 7/2019 và Chủ tịch HĐTV EVNNPC từ tháng 8/2021, với sự quyết liệt, tư duy sáng tạo, đổi mới, bà đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của Tổng công ty. Kế thừa những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã đạt được, bà cùng Ban lãnh đạo đã phân tích, thẳng thắn nhìn rõ những hạn chế, những điểm yếu của Tổng công ty, các đơn vị để từ đó có những giải pháp, chỉ tiêu, lộ trình cụ thể hàng tháng, hàng quý, từng bước dẫn dắt Tổng công ty chuyển mình mạnh mẽ.
Chủ tịch HĐTV EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh chỉ đạo quyết liệt tại các cuộc họp
Tại lễ nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV EVNNPC, trong bài phát biểu của mình, bà đặt ra mục tiêu, sẽ cùng ban lãnh đạo xây dựng EVNNPC trở thành Tổng công ty phân phối và kinh doanh điện năng hàng đầu ở Việt Nam, tiến tới ngang tầm các Công ty Điện lực hàng đầu khu vực Đông Nam Á, dựa trên nền tảng văn hóa mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến hiện đại và dịch vụ khách hàng xuất sắc. Còn trong lộ trình chuyển đổi số, EVNNPC đặt mục tiêu trở chuyển đổi số thành công vào năm 2022 và vận hành trong không gian số từ năm 2023.
Mục tiêu lớn khi những khó khăn, thách thức vẫn muôn trùng ở phía trước, Chủ tịch HĐTV EVNNPC hiểu rằng, bà cùng Ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV phải nỗ lực, quyết tâm gấp bội. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng, khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới, quyết tâm mạnh mẽ và sự đột phá trong tư duy sẽ là động lực, sức mạnh để “nữ tư lệnh”, nữ tướng tài năng của EVNNPC nói riêng, của ngành Điện nói chung chứng tỏ bản lĩnh của mình, đưa Tổng công ty “cán đích” mọi mục tiêu đề ra. Mà trên hành trình đó, theo bà “Mỗi CBCNV của Tổng công ty đã trở thành một mắt xích vô cùng quan trọng”.
Kim Ngân