Thứ Năm, 21/11/2024 19:08:14 GMT+7
Lượt xem: 1338

Tin đăng lúc 06-03-2022

Chuyển đổi số: Thách thức nào chờ ngành dệt may?

80% doanh nghiệp (DN) ngành dệt may có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao và quan trọng hơn, DN chưa biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số cho phù hợp với năng lực.
Chuyển đổi số: Thách thức nào chờ ngành dệt may?
Xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hợp lý giúp nâng cao năng suất lao động

Nhiều rào cản

 

Chuyển đổi số là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong ngành dệt may thời gian gần đây. Về câu chuyện chuyển đổi số, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - từng đặt vấn đề: Tại sao cùng một đơn hàng nhưng có đơn vị làm mang lại giá trị gia tăng cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn và ngược lại? Vấn đề nằm ở công nghệ sản xuất mà các DN ứng dụng. Với hầu hết DN dệt may Việt Nam, việc thay đổi không đơn giản.

 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị là xu hướng tất yếu, giải pháp “hai trong một”, giúp DN dệt may nhanh chóng hồi phục sau đại dịch và tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với 80% DN có quy mô nhỏ và vừa, việc đầu tư cho công nghệ tiên tiến thực sự là “bài toán” khó.

 

Có nhiều rào cản mà DN gặp phải trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và triển khai, duy trì công nghệ khó khăn nhất bởi chi phí khá cao, trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn. Cùng đó là những khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; thiếu chuyên gia và thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số khiến khả năng đạt thành công trong chuyển đổi số thấp hơn...

 

Chuyển đổi phù hợp

 

Chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với DN sản xuất, nhất là với các ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không kịp thời chuyển đổi số, DN sẽ bị lạc hậu trong sản xuất, mất khả năng cạnh tranh, nặng nề hơn là bị loại khỏi thị trường. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng: Để chuyển đổi số thành công, DN cần chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo DN tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại.

 

Từ góc nhìn của người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Trần Tịnh Minh Triết - Kỹ sư giải pháp phầm mềm, SAP Việt Nam - phân tích: Chuyển đổi số không phải là “viên thuốc thần” cho mọi vấn đề, tùy thuộc vào mô hình kinh doanh mà DN số hóa phù hợp. Theo đó, ưu tiên lấy khách hàng làm trọng để lựa chọn mô hình kinh doanh B2B hay B2C; vận hành hệ thống kinh doanh linh động và hiệu quả cao; thiết lập hệ thống chuỗi giá trị cung ứng nhanh chóng… Việt Nam nằm ở đầu chuỗi sản xuất, vì vậy, ưu tiên tự động hóa. Ngoài ra, cần tập trung tìm hiểu khách hàng, xây dựng trải nghiệm khách hàng và cốt lõi là tìm ra mô hình kinh doanh mới, tạo ra dòng tiền mới để phục vụ kinh doanh của DN.

 

Chia sẻ kinh nghiệm qua quá trình thực tế chuyển đổi số của DN, lãnh đạo Vinatex cho rằng, việc đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin, tự động hóa, thiết kế... cần được chú trọng.“Thực hiện chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất hợp lý giúp nâng cao năng suất lao động, đơn giá lao động trên một sản phẩm sẽ giảm mà vẫn đảm bảo đáp ứng lương lao động cao. Điều này cũng giúp ngành may giải quyết vấn đề thiếu lao động, tạo cơ hội bứt phá, thoát ra khỏi hiện trạng sử dụng nhiều lao động nhưng lương thấp, không ổn định” - lãnh đạo Vinatex nói.

 

VITAS đang nỗ lực liên kết với các đối tác nước ngoài, trong đó có DN Hàn Quốc nhằm lựa chọn được công nghệ phù hợp và giảm bớt chi phí đầu tư trong chuyển đổi số cho DN dệt may Việt Nam.

 

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang