Một buổi sáng trên đường, tình cờ gặp lúc một bà mẹ trẻ đang tiến ra giữa tim đường nhặt chiếc nón con chị làm rơi. Bên vệ đường là hai đứa trẻ đang ngồi trên xe. Chúng bắt tay làm loa gọi lớn: Mẹ ơi, đừng chết. Mẹ ơi, đừng chết. Hình ảnh đó làm người ta vừa thấy buồn cười, vừa thấy thương thương, vừa cảm động.
Đúng là cảnh người mẹ đứng giữa hai dòng xe cộ tấp nập nhặt chiếc nón cho con nhìn quá nguy hiểm. Người mẹ sợ, hẳn nhiên, và bọn trẻ cũng sợ. Lúc ấy, nếu có ai đó cúi nhặt giùm chị chiếc nón, hẳn sẽ trở thành một người hùng trong mắt hai đứa bé. Và, cũng sẽ gieo vào lòng người qua đường một hình ảnh vô cùng tử tế.
Mọi người thường cảm động trước một hình ảnh đẹp như ai đó dắt người già qua đường, người tài xế taxi trả lại tiền cho hành khách, hay những bạn trẻ chung tay trong những chương trình thiện nguyện xã hội… 2015 là một năm có nhiều sự kiện chấn động lòng người: khủng bố, chiến tranh, những vụ thảm sát… Rồi thì bảo mẫu hành hạ trẻ em, bác sĩ thiếu y đức, những vụ án oan sai đau lòng…; những chuyện chỉ nghe thôi cũng làm chao đảo, suy sụp bất cứ ai biết suy nghĩ. Có một điều gì đó mà chúng ta đã bỏ sót? Hình như con người đã sống thiếu tử tế với nhau?
Xâu chuỗi lại những sự kiện mới thấy hình như có một điểm chung lớn là sự thiếu tử tế. Tất nhiên thế giới vẫn còn rất nhiều những điều tốt đẹp, rất nhiều người tử tế luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Vẫn còn những bà mẹ trăn trở với nhau việc làm sao để có thể dạy con trở thành người tử tế… Nhưng, những trăn trở dường như đang lạc hậu với thời cuộc, trong thời buổi người ta thích tham gia các lớp dạy con làm giàu, dạy con trở thành người đứng đầu…
Trong cuốn Sức mạnh của sự tử tế hai tác giả Linda Kaplan Thaler và Robin Koval, Giám đốc điều hành và Giám đốc phòng Sáng tạo của tập đoàn Kaplan Thaler, một công ty quảng cáo và giải trí lớn, bằng thành công của chính họ, đã tuyên bố, thành công bắt nguồn chính từ sự tử tế của chúng ta.
Ngược với quan niệm thường thấy, thành công phải là chiến thắng đối thủ, cuốn sách lại chứng minh thành công bắt nguồn từ sự tử tế và nhường nhịn. Tương tự, một nghiên cứu của ĐH Toronto cho thấy, sự tử tế, nhân hậu làm người ta hạnh phúc hơn, làm ra nhiều tiền hơn, nhiều sức khỏe hơn và ít… hầu tòa hơn.
Đó có lẽ là những giá trị ngắn gọn nhưng mạnh mẽ nhất của sự tử tế.
Nhiều người cho rằng, sống tử tế nghĩa là sống chân thật với điều mình nghĩ, tôn trọng, yêu thương con người, nói và nghĩ những gì tốt đẹp. Sống tử tế cũng là không làm hại người khác, chân thật, làm đúng điều mình theo đuổi, không tôn vinh các giá trị ảo như vật chất, quyền lực; làm đúng phần việc của mình, bình đẳng, không đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người khác.
Có rất nhiều cách để định nghĩa thế nào là sự tử tế. Sống chia sẻ bao dung, biết chấp nhận người khác; sống không xấu hổ với chính mình… là một trong những cách ấy. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những đứa trẻ biết nói lời cảm ơn sẽ có nhiều cơ hội để nhận được những món quà từ cuộc sống.
Cha mẹ của những người chú trọng việc dạy dỗ con mình lòng biết ơn sẽ là người đầu tiên được hưởng thành quả đó, được nhận đồng thời cũng được học từ con sự chân thành và hạnh phúc của lòng biết ơn.
Sự tử tế không thể dạy bằng giáo điều, không thể dạy suông mà phải bằng hành động cụ thể: Cha mẹ biết sống tử tế với người khác. Hãy dạy trẻ biết tin vào bản chất tốt đẹp của người, biết đặt ra các nguyên tắc sống thế nào là người lương thiện, người tử tế và bền chí theo đuổi các nguyên tắc đó. Có thể bắt đầu bằng việc không làm điều gì có hại đến người khác. Học chia sẻ và biết ơn, học cảm ơn, xin lỗi và khen ngợi…
Tử tế còn là sự dũng cảm. Theo ông Lê Quang Bình (Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường): “Sống tử tế, suy cho cùng là sống tự do theo cách mình mong muốn; đừng để những khuôn mẫu, những bạo quyền và nỗi sợ cướp đi nhân phẩm của mình”.
Đầu năm nghĩ về chuyện tử tế cũng là cách để những người làm cha mẹ trăn trở hơn trong việc dạy con thành người.
Theo Báo Phụ nữ