Những điểm mới
Nghị định 15 (NĐ) có thay đổi 11 nội dung chính, trong đó, quy định về thủ tục tự công bố sản phẩm là có sự thay đổi lớn nhất so với trước. Cụ thể, ngoài 3 nhóm sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và sản phẩm phụ gia thực phẩm hỗn hợp, vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký công bố; còn lại trên 90% các sản phẩm thông thường khác, DN sẽ tự công bố các điều kiện an toàn chất lượng và sau đó gửi một bộ hồ sơ cho cơ quan quản lý. Ngay sau khi tự công bố, DN được sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về những công bố ATTP của sản phẩm đó.
Một điểm mới khác trong NĐ 15 là ngoài việc trao thêm quyền tự chủ cho các DN thì căn cứ vào công bố của các DN, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm và tăng mức xử phạt nếu có sai phạm.
Đối với những lô hàng thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên. Những lô hàng này trước đó đã được xác nhận đạt yêu cầu của nước đã ký Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau mà Việt Nam là thành viên, hoặc đã có 3 lần liên tiếp trong 12 tháng đạt yêu cầu nhập khẩu, hoặc được sản xuất theo hệ thống GMP, HACCP, ISO:22000... Với những DN có lịch sử nhập khẩu lô hàng tốt thì sẽ được miễn kiểm tra. Những lô hàng này sẽ được kiểm soát chặt chẽ khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, Nghị định 15 còn điều chỉnh các quy định về thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm biến đổi gen, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ghi nhãn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm, phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương...
Thuận lợi và khó khăn
Đối với các DN trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, việc cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký công bố kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm của NĐ 15/2018 được ví như “món quà” ý nghĩa mà Chính phủ và Bộ Y tế dành cho họ. Giờ đây, DN được tự công bố chất lượng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, tất nhiên, việc công bố các chỉ tiêu an toàn phải nằm trong ngưỡng quy định của Bộ Y tế. Như vậy là, từ việc phải bị động chờ đợi, nay DN đã được trao quyền tự chủ động nhiều hơn trong sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), NĐ 15 sẽ giúp DN tiết kiệm đến 90% thời gian và công sức trong việc thực thi các thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm tới 10 triệu ngày công và khoảng 3.700 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, yêu cầu DN chịu 100% trách nhiệm, hay quản lý hậu kiểm không phải là một áp lực mà lại trở thành động lực để các DN tuân thủ pháp luật, nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng đưa đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng cần phải có những đầu tư phù hợp cho các cấp cơ sở. Bên cạnh đó, việc để DN tự chủ động công bố chất lượng sản phẩm, hay chỉ kiểm tra xác xuất lô hàng nhập khẩu (tối đa 5%), chắc chắn cơ quan quản lý nhà nước phải chấp nhận rủi ro và cần tăng cường hơn nữa trong công tác hậu kiểm. Đặc biệt, cần tăng chế tài xử phạt đối với những DN vi phạm quy định về ATTP. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của DN lên 100% đối với sản phẩm của mình để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.
Giám sát, kiểm tra và quản lý những sản phẩm tự công bố như thế nào?
Cần tăng cường hậu kiểm, tăng chế tài xử phạt để nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp
Bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, đối với trong nước, Cục ATTP đã phân công trách nhiệm rất rõ ràng cho các bộ ngành. Bộ ngành nào chịu trách nhiệm đối với nhóm sản phẩm nào sẽ phải kiểm soát từ đầu đến cuối nhóm sản phẩm đó. Các quy trình, quy định về các mức giới hạn an toàn, tức là những chỉ tiêu bắt buộc các sản phẩm phải tuân thủ cũng đã được ban hành tương đối đầy đủ. Ngoài ra, hiện nay Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp, tiến tới hoàn thiện bộ quy trình cũng như các quy định đối với sản phẩm thực phẩm.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang gấp rút trình Chính phủ Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, trong đó sẽ tăng nặng mức xử phạt, chia nhỏ các hành vi vi phạm; tham mưu ban hành một kế hoạch tổng thể về hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt tập trung vào nhóm sản phẩm thực phẩm công bố hay nhóm sản phẩm không phải qua kiểm tra nhà nước. Hiện nay, Bộ cũng đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ATTP, qua đó, người tiêu dùng và DN có thể tìm hiểu tất cả các thông tin về ATTP.
Nghị định 15 được ví như cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP, bởi sự thay đổi này không chỉ giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí, mà nó còn thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đây chính là động lực mạnh mẽ để DN phát triển SXKD, tuy nhiên, DN cũng phải tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính, nghiêm túc hơn, bởi hậu kiểm nhà nước cũng sẽ xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn.
Quỳnh Anh