Ưu tiên chuyên gia khoa học, công nghệ
UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án thu hút và phát triển chuyên gia, nhà khoa học mà TP có nhu cầu trong giai đoạn 2018-2022. Đây là nội dung được cụ thể hóa trong cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Theo đề án, TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và đẩy mạnh các ngành dịch vụ giá trị gia tăng mang tính cạnh tranh quốc tế.
Do đó, TP xác định phải đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách nhằm thu hút giới trí thức có trình độ, năng lực chuyên môn xuất sắc, có tư duy đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và tâm huyết… làm lực lượng nòng cốt tư vấn chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu đề ra.
Đề án nhấn mạnh đến các chính sách đột phá đủ sức hấp dẫn thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đã được đào tạo, rèn luyện ngoài khu vực công. Nguồn nhân lực này sẽ bổ sung vào các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.
Cùng với đó, TPHCM cũng đặt mục tiêu tạo nguồn chuyên gia tư vấn, hoạch định chiến lược và khoa học, công nghệ (KH-CN) để tư vấn cho TP giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Về ngành, lĩnh vực cụ thể, bao gồm: công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (logistics); xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng sức tải lớn, không gian ngầm; vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo và sản xuất linh kiện điện tử cao cấp; công nghiệp vi mạch, công nghệ số; trí tuệ nhân tạo, tế bào gốc…
UBND TPHCM khẳng định, không giới hạn về quốc tịch nhưng chuyên gia, nhà khoa học phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ở từng vị trí cụ thể. TP sẽ công bố kế hoạch tuyển chọn và lập tổ tư vấn để nghe các chuyên gia, nhà khoa học thuyết minh phương hướng, kế hoạch thực hiện dự án, công trình của mình. Trên cơ sở đó, sẽ quyết định, lựa chọn những người phù hợp nhất.
Kỳ vọng sự đột phá thu hút nhân tài
Theo đề án, ngay khi được tuyển chọn và ký hợp đồng, TP sẽ trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng/người đối với chuyên gia, nhà khoa học là GS, PGS hoặc 80 triệu đồng/người đối với các trường hợp còn lại.
Hàng tháng, các chuyên gia, nhà khoa học được nhận lương với hệ số theo bảng lương chuyên gia cao cấp (theo Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Cụ thể, chuyên gia, nhà khoa học là GS, PGS được hưởng bậc 2 (hệ số 9,40). Những trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80).
Chuyên gia thực hiện tốt nghĩa vụ, có thành tích xuất sắc và nhiều cống hiến, được tiếp tục ký hợp đồng sẽ hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với mức lương của hợp đồng đầu tiên.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được hưởng phụ cấp 1% tổng kinh phí ngân sách TP chi trả cho mỗi công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến, đề xuất chính sách, đổi mới kỹ thuật, công nghệ được công nhận.
Tổng mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu. Chuyên gia, nhà khoa học còn được phân chia lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; được bố trí nhà ở công vụ hoặc hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (mức hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/tháng).
Theo Sở Nội vụ TPHCM, để kịp thời giải quyết tình trạng “khát nhân lực” ở các đơn vị khoa học trọng điểm, TPHCM từng áp dụng một số chính sách đặc thù thu hút chuyên gia KH-CN làm việc tại Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện KH-CN tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học.
Mức thù lao chi trả cho mỗi chuyên gia theo thỏa thuận, nhưng không quá 150 triệu đồng/tháng. Tính từ khi có chính sách (gần cuối năm 2014) đến năm 2017, TP chỉ thu hút được 15 chuyên gia (trong đó có 5 chuyên gia người nước ngoài, 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài). Song, hiện nay chỉ còn 10 trường hợp đang tiếp tục công tác.
UBND TPHCM nhận xét, cơ chế, chính sách đãi ngộ mà TP đang áp dụng dù cao hơn so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn. Vì vậy, kỳ vọng với chính sách vừa ban hành, sẽ khắc phục những bất cập và tạo được sự đột phá trong thu hút, phát huy nhân tài.
Giữ chân quan trọng không kém thu hút
Ở các doanh nghiệp lớn, dù thực hiện chính sách đãi ngộ tốt nhưng có thể vẫn “mất” nhân tài như thường. Điều này cho thấy, chuyên gia, nhà khoa học có thể cần tài chính, nhưng đó chưa hẳn là yếu tố quyết định. Vì vậy, bên cạnh tiền lương, thu nhập cao, TPHCM phải tạo không gian kết nối và môi trường chuyên nghiệp để các chuyên gia phát huy năng lực. Đây cũng là chính sách “giữ chân” nhân tài, tránh tình trạng chảy máu chất xám như lâu nay.
Uy tín của lãnh đạo TP, của địa phương cũng có tác dụng lớn trong việc thu hút, hội tụ nhân tài. Trong nhiều trường hợp, nếu người tài nhận thấy được môi trường làm việc nhân văn, tạo được sự tự hào cho bản thân, khi đó, họ sẽ có động lực đóng góp, cống hiến cho địa phương đó. Điều này đòi hỏi TPHCM phải lưu ý đến việc xây dựng quy trình tuyển chọn công khai, minh bạch, hiệu quả và giảm thiểu thời gian chờ đợi của chuyên gia. Sau khi tuyển chọn, TP phải có chính sách sử dụng hợp lý để phát huy hiệu quả nguồn chất xám khoa học đã thu hút. Các chính sách này không chỉ là thu nhập hàng tháng, mà còn là sự chăm lo đối với các vấn đề có thể rất nhỏ đối với chuyên gia, nhà khoa học và gia đình họ để họ gắn bó và cống hiến lâu dài.
Ở góc độ ngược lại, giữa chuyên gia, nhà khoa học cũng phải có cam kết cụ thể về thời gian gắn bó, cống hiến; đồng thời, phải gắn với những kết quả công việc càng cụ thể càng tốt. Những thỏa thuận ban đầu rất quan trọng nên cần có các ràng buộc về trách nhiệm pháp lý giữa các đơn vị tuyển dụng, sử dụng và chuyên gia, nhà khoa học. Điều này sẽ giúp hạn chế khiếu nại, tranh chấp phát sinh.
LS NGUYỄN VĂN HẬU (Chủ tịch Hội Trọng tài Thương mại TPHCM)
Xây dựng hệ thống đánh giá đầu ra
Trước tiên, TPHCM cần xác định cụ thể nhu cầu trọng tâm của TP, chứ không phải nguồn cung nhân tài. Cụ thể, TP cần triển khai những công việc, dịch vụ gì để từ đó chọn người phù hợp với công việc, nhu cầu. Bên cạnh đó, những cơ quan, đơn vị tuyển dụng phải quyết định đối với việc tuyển chọn, sử dụng nhân tài. Việc trao sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở, giúp việc tuyển dụng và sử dụng nhân tài được gọn nhẹ, hiệu quả.
Cái gốc của việc nhận định người tài, là đánh giá người đó có phù hợp với công việc hay không. Do đó, khi triển khai đề án này, phải xây dựng hệ thống đánh giá đầu ra. Bởi nếu không có hệ thống đánh giá thì không biết được người đó có năng lực thực sự, có hiệu quả với công việc đó hay không? Khi có hệ thống đánh giá đầu ra, đối chiếu sẽ biết khi đạt yêu cầu, người tài sẽ làm cái gì trước, còn không đạt sẽ xử lý ra sao? Bởi nếu “xong”, việc kết thúc hợp đồng tưởng đơn giản, nhưng trên thực tế luôn đa dạng và phức tạp hơn nhiều, nên rất cần hệ thống đánh giá cụ thể.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Đại học Quốc gia TPHCM)
Cùng với thu hút, cần nâng chất cán bộ hiện tại
Khả năng của con người là vô chừng, khả năng đó có chuyển hóa thành kết quả đóng góp cho sự tiến bộ xã hội hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. TPHCM đặt ra vấn đề thu hút nhân tài với thước đo khá nhiều tiêu chí về học hàm, học vị, công trình… và gợi ý khá nhiều chế độ để thu hút người tài, với mong muốn họ đóng góp nhiều hơn.
Soi rọi các tiêu chí đó, nhiều người trong bộ máy chính quyền hiện tại cũng có khả năng đáp ứng. Vấn đề là nhiều người đang làm việc dưới mức khả năng, bởi thiếu động lực. Đó có thể là do lương thấp, thiếu tự do phát triển sáng kiến, thiếu sự tôn trọng chính kiến cá nhân hoặc cơ hội thăng tiến hạn hẹp…
Người tài trong hệ thống hiện tại còn không có “đất” phát huy năng lực, vậy những người bên ngoài làm sao dám cống hiến, dù chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Do vậy, cùng với việc thu hút nhân tài, cần tạo “bầu không khí phấn khởi” cho cán bộ hiện tại, ít nhất là làm việc bằng với khả năng của họ, cũng sẽ tạo được năng suất, hiệu quả lớn hơn. Khi làm được như vậy, tự khắc những người tài sẽ quy tụ, nhiệt tình hiến kế và chính quyền sẽ không thiếu việc hay, ý nghĩa để làm cho dân.
TS HUỲNH THANH ĐIỀN (Thành viên Nhóm Tư vấn chính sách Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM) |
Theo SGGP