Hiện nay, vốn đầu tư tư nhân tại Bình Thuận là trên 2 tỷ USD, thu hút khoảng 200 dự án, trên 100 dự án đang huy động vốn. Tỉnh có những dự án đầu tư công trọng điểm giúp kết nối giao thông giữa các trung tâm kinh tế với Bình Thuận và dự kiến hoàn thiện trong tương lai gần. Chỉ 2 năm nữa, người dân mất khoảng dưới 2 giờ đồng hồ để di chuyển từ TPHCM ra Phan Thiết qua cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Sân bay quốc tế Phan Thiết tái khởi động từ tháng 8 cùng sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị khởi công một số hạng mục trong tháng 10, sẽ "mở đường" để Phan Thiết, Bình Thuận đón lượng lớn du khách từ khu vực lân cận cho các kỳ nghỉ ngắn, dịp cuối tuần.
Thế mạnh của Bình Thuận là biển xanh, cát trắng, nắng vàng, di sản văn hóa phong phú, thiên nhiên tươi đẹp, con người chân tình, mến khách, nên bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Thuận tin tưởng tỉnh thu hút nhiều du khách, nhà đầu tư hơn nữa bởi tỉnh tạo môi trường đầu tư thông thoáng, quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, sớm triển khai dự án. Địa phương sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ các vướng mắc để giúp dự án đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến.
Bà Ngọc nhận định, khi có các nhà đầu tư lớn, tâm huyết, nỗ lực triển khai và đưa các dự án vào hoạt động sẽ góp phần giúp Bình Thuận nâng cao lợi thế cạnh tranh. Các sản phẩm du lịch sẽ đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách, giúp khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng đang có. Quyết tâm làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, Bình Thuận đã tạo niềm tin, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư xây dựng và phát triển loạt dự án bất động sản tầm cỡ, tiêu chuẩn quốc tế cùng các dịch vụ, tiện ích đi kèm.
Cần thêm nhiều sản phẩm quy mô lớn
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Bình Thuận được xác định là một trong những địa phương có tiềm năng để đầu tư phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, ngoài di tích lịch sử, văn hóa, nơi đây còn có tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, dễ thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, địa phương cần có những sản phẩm quy mô lớn để phục vụ du lịch tốt hơn; các cơ chế chính sách bảo đảm sự an toàn phát triển du lịch và bảo vệ môi trường...
Một trong những dự án lớn tại Bình Thuận hiện nay phải kể đến NovaWorld Phan Thiet với quy mô 1.000 ha trải dài 7 km đường biển Tiến Thành-Phan Thiết.
Điểm nhấn của NovaWorld Phan Thiết là dòng sản phẩm second home nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse… với tầm nhìn hướng ra khung cảnh biển. NovaWorld Phan Thiet được xây dựng theo mô hình đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng giải trí “tất cả trong một” đang được ưa chuộng hiện nay.
Hay dự án Novahills Mũi Né tọa lạc tại trục đường được mệnh danh là kinh đô Resort tại Mũi Né, Phan Thiết. Nằm trên đồi cát đỏ, có quy mô lớn 44 ha, dự án gồm khoảng hơn 600 biệt thự đơn lập trên cao độ từ 15-85 m với phong cách kiến trúc Tây Ban Nha miền Địa Trung Hải và đầy đủ tiện ích nội khu đẳng cấp bao gồm hồ bơi nhiều tầng, đồi hoa và công viên lớn, CLB thể thao biển và chăm sóc sức khỏe, khu thương mại-ẩm thực quốc tế, tháp quan sát ở cao độ trên 100m…
Theo quy hoạch du lịch Bình Thuận, mục tiêu đến 2025, tỉnh thu hút 11 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm1,1-1,32 triệu, doanh thu 35.000 tỷ đồng.
Nằm ở vùng lõi tứ giác du lịch TPHCM-Vũng Tàu-Đà Lạt-Nha Trang, Bình Thuận có biển, đảo, núi, hồ, suối cùng văn hóa, lịch sử đặc sắc mang đậm dấu ấn bản địa. Địa phương này có 300 ngày nắng, ấm áp khô ráo, khí hậu ôn hòa, ít gió bão; có suối khoáng nóng đáp ứng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, điều dưỡng, chữa bệnh...
Các chuyên gia nhận định Bình Thuận có tiềm năng vô cùng lớn để trở thành trung tâm du lịch-thể thao biển, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ mang tầm quốc tế.
Theo báo Chính phủ