Thứ Năm, 21/11/2024 19:47:50 GMT+7
Lượt xem: 2076

Tin đăng lúc 24-06-2024

Cơ hội nào để ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam bứt phá?

Đầu năm 2024, mặc dù thị trường ô tô đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô cũng đang đứng trước cơ hội “chuyển mình” với những tín hiệu tích cực về hoạt động hợp tác, nâng cao giá trị thặng dư.
Cơ hội nào để ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam bứt phá?
Năm 2024 mang lại nhiều cơ hội cho các DN CNHT ô tô Việt Nam

Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp (DN) Việt Nam buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn và tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Năm 2023, thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm mạnh, doanh số ô tô đạt 301.989 xe, giảm 25% so với năm 2022. Tiêu thụ ô tô giảm, dẫn đến các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng, giảm lượng xe nhập khẩu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng đầu - cuối. Trong đó, nhiều DN CNHT trong nước đối mặt với tình trạng cắt giảm đơn hàng, thậm chí mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh.

 

Đại diện THACO Industries cho biết, năm 2023, doanh thu từ sản xuất linh kiện ô tô của tập đoàn ước đạt gần 8.700 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022; doanh thu xuất khẩu đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022. Tuy nhiên, mức sụt giảm này vẫn chưa thấm vào đâu so với nhiều DN khác trong ngành. Theo đánh giá của Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), suy giảm doanh thu bình quân của DN CNHT năm 2023 có thể lên tới 40%.   

 

Ngoài nguyên nhân từ việc giảm nhu cầu linh kiện, phụ tùng, các DN CNHT trong nước đang chịu sức ép lớn từ các DN mới nổi. Các DN này chuyển dịch từ các khu công nghiệp ở Trung Quốc sang Việt Nam để tìm vận may. Họ có công nghệ và nguồn tài chính vững chắc nên có thể sản xuất quy mô lớn và nhanh chóng. Các DN này xây dựng mạng lưới các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết, để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số khác phát triển theo hướng liên doanh, liên kết với DN nội địa để cùng chia lợi nhuận.

 

Trong khi đó, tình hình của các DN Việt không được khả quan. Hiện nay các DN CNHT ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ có khoảng 300 DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Trong số khoảng 214 DN CNHT chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam, năng lực cạnh tranh phần lớn còn khá yếu. Cụ thể, để gia nhập chuỗi cung ứng linh kiện ô tô, các DN phải đạt tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và các yếu tố môi trường. Với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cần phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng, chi phí, giao hàng. Riêng nhà cung cấp cấp I cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Đơn cử, với sản phẩm cụm phanh ô tô, DN nội địa cần số vốn khoảng 100 tỷ đồng, song lợi nhuận cũng chỉ đạt khoảng 5-10%. Không nhiều DN nội địa chịu được rủi ro lớn về vốn như vậy để tham gia cuộc chơi.

 

Dù nền kinh tế năm 2024 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn song ít nhất tình hình vẫn sẽ tích cực hơn so với năm ngoái. Làn sóng FDI đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay. Việc các DN FDI mới đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh, nhưng đồng thời nhu cầu về linh kiện, phụ tùng phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy cũng tăng theo, đồng nghĩa với việc cơ hội sẽ nhiều hơn.

 

 

THACO Industries là "đầu tàu" của ngành CNHT ô tô Việt Nam 

 

Để tận dụng được cơ hội đó, bản thân các DN cũng phải thay đổi và nâng cao năng lực từng ngày. Việt Nam cũng cần phải xây dựng được các DN dẫn dắt ngành có năng lực. Giải pháp đưa ra là cần tập trung cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Đồng thời, hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, các DN CNHT, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá...

 

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vai trò của các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các DN trong nước và quốc tế. Ông Phạm Tuấn Anh nhận định: “Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với DN. Đó là những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ô tô tại Việt Nam”.

 

Có một điều cần phải nói là dư địa cho ngành cơ khí ô tô vẫn còn rất lớn. Có thể nói, ngành cơ khí là xương sống của ngành công nghiệp nói chung và CNHT ô tô nói riêng. Một trong những hướng đi được THACO Industries chọn lựa đó là tham gia chuỗi cung ứng linh kiện OEM trọn gói cho các DN FDI và xuất khẩu, phục vụ các lĩnh vực ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng. Bằng việc hợp tác, kết nối với các DN, Hiệp hội VASI, VAMI, HAMEE trong nhiều năm qua, có thể coi THACO là "đầu tàu" của ngành CNHT ô tô trong nước và đang có nhiều đóng góp lớn nhằm nâng cao năng lực cho các DN nhỏ và vừa. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, tập đoàn này còn xuất khẩu các linh kiện OEM như: Khung ghế, nhíp, cốp xe, thùng xe đến các thị trường trọng điểm như: Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia...

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang