Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:59:54 GMT+7
Lượt xem: 3246

Tin đăng lúc 09-02-2020

Có một dòng tranh đất Đông Hồ

Mỹ thuật hiện đại chia thành hội họa và điêu khắc. Nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng có hai dòng chính: Tranh điệp trên giấy dó và tranh điệp trên phỗng đất.
Có một dòng tranh đất Đông Hồ
Bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 nhân vật

Dòng tranh đất Đông Hồ hiện nay chỉ còn được bảo tồn tại gia đình ông Phùng Đình Giáp. Đây là nghề gia truyền, xa xưa không nhớ, chỉ biết đời ông nội Phùng Đình Khả, bố Phùng Đình Nhung đều làm nghề. Cũng như tranh giấy dó, phỗng đất chủ yếu làm và bán vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu.

         

Ông Phùng Đình Giáp sinh năm 1954, thời trẻ tham gia Quân đội chống Mỹ và truy quét Phun rô ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tháng 6/1980, ông phục viên về quê tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, làm nhân viên y tế cộng đồng của xã. Hiện ông tham gia Ban chấp hành Chi hội Cựu chiến binh thôn. Trong ngôi nhà ngói cổ, khoảnh sân hẹp chạy dài rợp bóng cây cảnh, ông Phùng Đình Giáp vẫn say sưa với nghề tổ truyền. Với miếng gỗ dầy chừng 2 cm, rộng khoảng 30 cm, ông nhào đất, nặn ra những con phỗng ngộ nghĩnh rồi xếp ra cái mẹt. Đôi bàn tay vàng của người nghệ nhân già khéo như múa, vừa véo miếng đất nho nhỏ xoay nặn một lát đã ra hình con phỗng như ý rồi. Khác với tranh giấy dó phải mua giấy từ làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), đất nặn gia đình phải tự chế lấy. Ông Giáp chia sẻ, đất nặn là loại đất thó, nằm sâu dưới lớp đất sét, cách mặt đất chừng 2 mét. Nguyên liệu khá phong phú nhưng việc đào bới mất công. Thời xưa dân ta đóng gạch nhiều thì cứ đến khu lò nào cũng dễ dàng kiếm được đất thó. Kiếm được đất rồi phải phơi khô, giã nhỏ, sau đó dùng cái rây bột để rây đất loại bỏ tạp chất. Trong khi phơi đất chờ khô thì đã phải ngâm giấy bản cho nhừ. Chừng một tuần thì giấy bản nhừ tan vào nước là được. Trộn bột đất thó với giấy bản đã nhừ cho thật dẻo là có thể nặn phỗng. Đất nặn phong kín có thể dùng lâu dài.

         

Những con phỗng vừa nặn xong, ông Giáp cẩn thận bày ra cái mẹt phía trước mặt. Ông bảo miếng gỗ, cái mẹt là dụng cụ gia truyền của nghề, bây giờ sống thời hiện đại cũng không muốn thay đổi. Nó quen, nó tiện, thế thôi. Xong công đoạn nặn thì bê mẹt phỗng đi phơi. Đất nặn có giấy bản làm cốt nên tăng độ bền nên nhiều lần, giảm sự vỡ nát khi trẻ con dùng làm đồ chơi. Theo ông Giáp, trẻ không ngâm nước nghịch dại thì con phỗng có thể chơi lâu dài. Bộ phỗng Trung thu có 5 con là: Phỗng Phật đại diện cho sự lương thiện, đạo đức; Phỗng đứng đại diện cho người già, hiểu biết; Phỗng ngồi đại diện cho lớp trẻ kế tục; Phỗng chim đại diện cho bầu trời; Phỗng rùa đại diện cho dưới nước. Bộ phỗng là đạo lí ngũ hành, có thiên, địa, nhân, có vũ trụ. Bộ phỗng bày cùng mâm ngũ quả ngày Tết. Khi phá cỗ Trung thu thì trẻ sẽ được nhận các con phỗng để đem đi chơi. Đấy là lúc người lớn giảng dạy ý nghĩa con phỗng đại diện cho con trẻ thêm yêu quê hương, yêu cuộc sống và sự khát vọng vươn lên trong học tập.

         

 

Gia đình ông Phùng Đình Giáp đã giữ nghề làm phỗng đất

 

Sau khi phơi con phỗng đủ độ khô thì người nghệ nhân “làm đẹp” cho phỗng. Đầu tiên phải quét lớp điệp lên toàn bộ con phỗng. Đây chính là loại điệp phết làm nền trên giấy dó của làng nghề tranh Đông Hồ. Điệp phải mua ở vùng Quảng Yên. Loại bỏ tạp chất rồi giã kĩ, rây bột, trộn với hồ nếp để phết lên giấy hoặc phỗng. Lại đem phơi cho khô điệp. Rồi mới bắt đầu công đoạn vẽ. Phẩm màu hòa với keo da trâu, gồm các màu xanh lục, đỏ, hồng, vàng, xanh da trời, tím. Hoàn toàn phải dùng tay để vẽ chứ không có khuôn in như làm tranh.

         

Công đoạn cuối cùng là làm bóng. Dùng nhựa thông pha với xăng quét lên hai lượt, cách làm như quang dầu nón lá vậy.

         

Hiện nay, ông Giáp không chỉ làm phỗng truyền thống mà ông còn làm nhiều phỗng chơi đa dạng, như phỗng mười hai con giáp. Năm Dậu có phỗng gà gọi sáng, gà mẹ con như gà trong tranh. Năm Hợi thì có lợn độc, lợn mẹ con. Trong chiếc tủ kính ông bày mẫu nhiều loại phỗng khác nhau và phỗng bây giờ bán quanh năm chứ không tập trung vào hai ngày Tết như xưa nữa. Có mẻ hàng ông xuất đến vài chục triệu đồng. Vì thế, vợ, con trai ông cũng phải phụ giúp và cùng làm. Người con trai cả Phùng Đình Khôi cũng đam mê nghề nghiệp cha ông. Điều đáng mừng hơn là dòng tranh đất Đông Hồ đã được nhiều người biết đến khi ông tham gia trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học; Bảo tàng Phụ nữ; Triển lãm Vân Hồ; Trung tâm triển lãm Văn học nghệ thuật Việt Nam; Phố cổ Hà Nội; Hoàng thành Thăng Long… Đáng chú ý, hiện ông đã có đơn đặt hàng của cả du khách nước ngoài và sự trân quý nghề nghiệp tổ truyền của gia đình nghệ nhân Phùng Đình Giáp đang được đền đáp. Ông càng vui mừng hơn khi chính mình đã làm được việc là làm cho màu dân tộc sáng bừng trên nền điệp phỗng đất quê hương Đông Hồ.

 

Phạm Thuận Thành


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang