Từ phát hiện vi phạm....
Cụ thể tại thời điểm trên, tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an quận Ba Đình (Thành phố Hà Nội) đã phối hợp với Đội QLTT số 3, cùng Công an phường Đội Cấn tiến hành kiểm tra số nhà 47, ngõ 68, phố Đội Cấn (quận Ba Đình). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện một lượng hàng lớn thuốc lá điện tử và tinh dầu sử dụng cho thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất.
Qua công tác kiểm tra và kiểm đếm, tổ công tác thu giữ được 136 hộp thuốc lá điện tử, 120 lọ tinh dầu đựng trong một số thùng bằng bìa cứng và ở ngoài kệ hàng. Đồng thời, tổ công tác đã làm việc với ông Nguyễn Thành N. (quê Vĩnh Phúc, là chủ số hàng trên), yêu cầu ông N. xuất trình các giấy tờ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ toàn bộ số hàng hóa nói trên nhưng ông N. đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào.
Theo đó, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ. Theo ước tính, giá trị số hàng hóa bị thu giữ có giá khoảng 260 triệu đồng.
Hiện hồ sơ vụ việc cùng tang vật đã được Đội Cảnh sát kinh tế CA Quận Ba Đình bàn giao cho Đội QLTT số 3 tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
...đến nguy cơ tiềm ẩn và quy định xử phạt đối với kinh doanh thuốc lá điện tử không phép
Trong những năm gần đây, thuốc lá điện tử mới chính thức du nhập vào nước ta nhưng hoạt động kinh doanh của mặt hàng này lại diễn ra tràn lan, bày bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội với nhiều mẫu mã, chủng loại, giá chỉ từ 400.000 - 700.000 đồng/bộ, đắt nhất là 1,6 triệu đồng/bộ đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Không những thế, thuốc lá điện tử còn gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng và mất một số tiền không nhỏ khi mua phải hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Nhiều loại thuốc lá điện tử có giá trị hàng trăm triệu đồng bị Công an Hà Nội thu giữ
Nhận thấy hoạt động kinh doanh trên sẽ gây thiệt hại lớn đến người tiêu dùng, ngày 18/2/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1173/BCT-XNK quy định, việc nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điện tử được quản lý như đối với mặt hàng thuốc lá nhập khẩu. Thuốc lá điện tử chỉ được phép nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử trước khi nhập khẩu phải được thẩm định qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đăng ký bảo hộ quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam; được dán tem thuốc lá nhập khẩu theo quy định; tuân thủ các quy định hiện hành về công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn và hàm lượng chất độc hại.
Tuy nhiên, trên thực tế, thuốc lá điện tử vào Việt Nam chủ yếu qua hình thức xách tay hoặc nhập lậu qua đường tiểu ngạch; không được cơ quan chức năng quản lý kiểm soát, cũng như mập mờ nguồn gốc xuất xứ… Điều này sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng đối mặt với nguy hiểm vì sản phẩm chưa được kiểm định, nguy cơ chứa chất độc hại.
Được biết, thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng sẽ giúp cai được thuốc lá và giảm các tác hại, nhưng trên thực tế lại đang gây nghiện cho giới trẻ. Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định, hút thuốc lá điện tử vẫn có nguy cơ gây ung thư và không giúp cai nghiện thuốc lá.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích khi kinh doanh thuốc lá điện tử mà không có giấy phép, không có nguồn gốc xuất xứ là trái với quy định pháp luật.
Về vấn đề những cá nhân, doanh nghiệp đang vi phạm pháp luật khi kinh doanh thuốc lá điện tử không có nguồn gốc và giấy tờ, trao đổi với phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích: “Căn cứ theo Điều 6, Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tại Điều 6 đã quy định hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ bị xử lý như sau:
“Vi phạm vào khoản 3 sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Còn đối với vi phạm tại khoản 5 sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
Vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bạn phải chuẩn bị giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh loại hàng hóa này. Nếu không có, sẽ bị xử phạt vi phạm với mức phạt từ 6 triệu đến 10 triệu đồng”.
“Ngoài ra, khi kinh doanh mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa sẽ bị xử lý theo Khoản 14 Điều 3. Qua đó, khi các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá điện tử, phải có giấy phép đăng kí kinh doanh và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, nếu không là làm trái với quy định pháp luật hiện hành.”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.
Nguyễn Trọng