Khoảng trống pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới
Thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước liên tục thu giữ số lượng lớn thuốc lá thế hệ mới, trong đó chủ yếu là thuốc lá điện tử nhập lậu, cụ thể: Ngày 15/10, Cục QLTT Bắc Ninh phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện 103.000 sản phẩm thuốc lá điện tử các nhãn hiệu. Qua dấu hiệu trên bao bì sản phẩm, lực lượng chức năng nhận định, toàn bộ lô hàng này do Trung Quốc sản xuất, có dấu hiệu nhập lậu. Trước đó, ngày 29/9, Công an TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra và thu giữ hơn 600 thùng hàng chứa tinh dầu; 2.600 thiết bị thuốc lá điện tử (VAPE) nhập lậu.
Không những nhập lậu, với nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, mặt hàng này đã có dấu hiệu được các đối tượng sản xuất ngay trong nước để tiêu thụ. Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nam, lực lượng này mới kiểm tra và thu giữ 108.782 sản phẩm thuốc lá điện tử (POD) các loại, gần 1,2 tấn vỏ hộp các loại, 16kg dung môi tẩy rửa, 02 máy hàn nhiệt và 01 máy đóng màng túi nilon, 10kg giấy nhám, 100kg túi nilon,... Nghi ngờ đối tượng có dấu hiện sản xuất, đóng gói thuốc lá điện tử, Cục Quản lý thị trường Hà Nam đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thống kê cho thấy năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, nhưng đến nay đã tăng 18 lần, lên khoảng 3,6%. Toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới trên thị trường đều là sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nhiều quan ngại cho người dùng do các sản phẩm chính hãng chưa được phép tham gia thị trường.
Có thể thấy, vấn đề thuốc lá thế hệ mới đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Điều đáng nói ở chỗ mặt hàng này đang đang được bày bán công khai ở nhiều cửa hàng, trên nền tảng mạng xã hội mà chưa được quản lý chặt chẽ.
Trước thực trạng này, tại Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) đã đặt câu hỏi trong việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có hai tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa mặt hàng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Cần xây dựng chế tài để quản lý chặt chẽ
Trước đó, tại Tọa đàm “Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới" do VCCI tổ chức, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới bao gồm chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đã thay đổi cục diện thị trường thuốc lá tại Việt Nam và đang có chiều hướng gia tăng.
Thuốc lá điện tử hệ thống mở có thể dễ dàng pha trộn dung dịch không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn rủi ro cho người dùng (Nguồn: Internet)
Trong khi đó, khung pháp lý để quản lý sản phẩm này vẫn thiếu, từ đó đã tạo “khoảng trống” cho thị trường “chợ đen” phát triển, tiềm ẩn nhiều hệ lụy xã hội như không bảo đảm chất lượng sản phẩm, gây rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng, thất thu ngân sách Nhà nước.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, xét dưới góc độ pháp lý Việt Nam hiện hành, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới dù sản xuất từ thuốc lá hay từ các nguyên liệu thay thế khác thì đều là thuốc lá, đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá quy định tại Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012 và cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành. “Việc đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý theo luật hiện hành sẽ góp phần hạn chế tình trạng nhập và sử dụng thuốc lá thế hệ mới tràn lan như hiện nay.” – Ông Hải nhấn mạnh.
Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế - Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, việc cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới là không khả thi vì cấm sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề, khiến cho người tiêu dùng cố tìm đến các sản phẩm bất hợp pháp với nhiều rủi ro.
Đồng tình ý kiến này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có phương án cho phép lưu hành và quản lý chặt chẽ cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, phổ biến trên thị trường hiện nay là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Quản lý thuốc lá thế hệ mới là việc cần thiết hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trưởng thành chưa thể từ bỏ được thuốc lá, có thể tiếp cận tới những sản phẩm thay thế có tiềm năng giảm tác hại hơn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ. Đồng thời, thiết lập các biện pháp hạn chế độ tuổi phù hợp để góp phần ngăn chặn việc tiếp cận và bán sản phẩm thuốc lá thế hệ mới cho người dùng dưới 18 tuổi.
Việc đặt các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào khung pháp lý để quản lý là cần thiết và phù hợp với bối cảnh pháp lý và thực tiễn hiện nay để góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho các lực lượng quản lý thị trường, công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, giúp tăng thu ngân sách và ổn định an ninh trật tự xã hội.
Box: Thuốc lá điện tử có hai hệ thống đóng và mở. Thuốc lá điện tử hệ thống đóng chỉ có thể sử dụng được với đầu dung dịch đã được đóng gói kín theo tiêu chuẩn sản phẩm của nhà sản xuất, nên chất lượng được kiểm soát và đảm bảo từ nhà sản xuất. Đối với thuốc lá điện tử hệ thống mở, người dùng có thể điều chỉnh, hoặc thay đổi dung dịch nên có thể tiềm ẩn một số rủi ro. Do vậy, nên cho phép lưu hành đồng thời thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng dưới cùng một khung pháp lý để đảm bảo tính bao quát, toàn diện, công bằng phù hợp với thực trạng của Việt Nam hiện nay. Đối với thuốc lá điện tử hệ thống mở, có thể cân nhắc xem xét quản lý sau khi có đầy đủ cơ sở đánh giá.
Hà Nguyễn