Chín tháng đầu năm 2017, các đơn vị thuộc CATP đã phát hiện, điều tra, khám phá 1.790 vụ, 1.816 đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại và vi phạm khác. Trong đó, số vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu chiếm tới gần 55%. Cơ quan Cảnh sát Điều tra các cấp đã khởi tố 61 vụ, 73 bị can; ra quyết định xử lý hành chính 1.729 vụ với 1.743 đối tượng; xử phạt hành chính gần 58 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 326 tỷ đồng.
Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CATP khẳng định, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) đã thực hiện nghiêm túc chương trình kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tội phạm môi trường, tham nhũng, qua đó đã khám phá nhiều chuyên án lớn gây tiếng vang. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường… Với tồn tại này, Thiếu tướng Đinh Văn Toản đã giao chỉ huy Phòng CSKT, phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế chỉ đạo công an các quận huyện điều tra cơ bản, tập trung lập hồ sơ phát hiện, lập án đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ công an; Tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, rà soát các tụ điểm, địa bàn đường dây, ổ nhóm đối tượng, tuyến giao thông để đấu tranh với tội phạm buôn lậu gian lận thương mại, sản xuất hàng giả...
Trên cơ sở đó, lãnh đạo CATP cũng yêu cầu các đơn vị triển khai ngay những văn bản chỉ đạo của Bộ Công An và CATP về phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, nhất là công tác đấu tranh chống tham nhũng trong các lĩnh vực đất đai, triển khai dự án, cấp phép, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tập trung điều tra doanh nghiệp "sân sau", liên quan đến tham nhũng trên mọi lĩnh vực; Tăng cường phối hợp giữa lực lượng cảnh sát, an ninh với các phòng kỹ thuật nghiệp vụ và công an các quận huyện, thanh tra các ngành, hải quan trong công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế.
Thiếu tướng Đinh Văn Toản nêu rõ, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chỉ huy các đơn vị phải có trách nhiệm quản lý cán bộ cảnh sát chấp hành đúng điều lệnh CAND, không để xảy ra vi phạm khiến người dân không đồng tình, mất niềm tin… Đồng thời, để công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả cao, các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã cần tập trung đánh giá thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tham nhũng trên địa bàn, thẳng thắn nhìn nhận, rút ra nguyên nhân khiến công tác đấu tranh với loại tội phạm này chưa đạt hiệu quả như mong muốn và đề ra biện pháp khắc phục.
Có thể nói, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của mình, phải tập trung đấu tranh trên cả ba lĩnh vực: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.
Thanh Ba