Tham dự buổi lễ có Thượng tướng Bùi Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương; lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cùng 250 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo UBND cũng như lực lượng công an của 42 tỉnh, thành phố nơi có hệ thống truyền tải điện 500 kV đi qua.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết: Để đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện truyền tải, ngay từ năm 1994, khi đường dây 500 kV Bắc - Nam chính thức được đưa vào vận hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 110/TTg ngày 23/4/1994 về việc bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam để chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tại địa phương cùng tham gia công tác bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện 500 kV.
Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi Lễ
Nhằm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như tăng cường công tác bảo vệ đường dây 500 kV Bắc - Nam đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, liên tục, ngày 26/9/1995 Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cùng với Tổng cục I - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quy chế phối hợp công tác bảo vệ số 3176/EVN/TCI. Đến năm 2015, hai bên đã tổ chức tổng kết và sửa đổi bổ sung thay thế bằng Quy chế số 2502/QCPH-TCAN-EVN ngày 26/6/2015. Trong quá trình triển khai thực hiện quy chế, hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức bảo vệ và xử lý các khó khăn, vướng mắc từ các giai đoạn đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng và trong quá trình quản lý vận hành sau này; nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến hành lang an toàn lưới truyền tải điện đã được các cơ quan công an điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật. Việc đưa hệ thống truyền tải điện 500 kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là một dấu mốc lịch sử lớn đối với EVNNPT nói riêng và đối với EVN nói chung, cùng với các công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhà máy Thủy điện Sơn La.
Trung tướng Đường Minh Hưng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh phát biểu tại buổi Lễ
Trải qua hơn 20 năm triển khai Quy chế phối hợp, tới thời điểm hiện tại có thể khẳng định rằng, sự phối hợp về công tác bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia giữa EVN, EVNNPT với công an các cấp đã được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ và có hiệu quả. Qua đó giúp EVNNPT làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ an toàn tài sản và vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải điện nói chung cũng như đường dây 500 kV nói riêng đã được đầu tư phát triển hết sức mạnh mẽ, trải dài trên hầu hết các tỉnh, thành phố, trong đó rất nhiều nơi đi qua là những địa hình phức tạp, rừng núi, xa khu dân cư, vùng giáp biên giới, giao thông đi lại khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Công Thương, EVN và EVNNPT chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ
Nhằm phát huy những kết quả đạt được và nâng cao công tác bảo đảm vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống điện 500 kV, trục “xương sống” của hệ thống điện quốc gia, thời gian qua Bộ Công an, Bộ Công Thương, EVN và EVNNPT đã báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa Hệ thống truyền tải điện quốc gia vào công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Sau khi xem xét, ngày 04/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1944/QĐ-TTg đưa hệ thống truyền tải điện 500 kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Việc đưa Hệ thống truyền tải điện 500 kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là sự đánh giá đúng mức tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống truyền tải điện 500 kV nói riêng và hệ thống truyền tải điện nói chung trong chiến lược phát triển an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, cũng là thông điệp gửi đến toàn thể nhân dân cả nước nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ an toàn lưới truyền tải điện, bảo đảm truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.
Đến thời điểm ngày 31/3/2018, hệ thống truyền tải điện quốc gia do EVNNPT quản lý, vận hành có tổng số 24.365 km đường dây (bao gồm 7.503 km đường dây 500 kV và 16.862 km đường dây 220 kV); 140 trạm biến áp (gồm 28 trạm biến áp 500 kV và 112 trạm biến áp 220 kV) với tổng dung lượng máy biến áp là 77.613 MVA. Hệ thống Truyền tải điện quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và từng bước kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, trạm biến áp không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA…
|
Tuấn Anh