Thứ Hai, 25/11/2024 23:44:35 GMT+7
Lượt xem: 1143

Tin đăng lúc 28-07-2021

Công đoàn Dệt may Việt Nam: Chăm lo toàn diện người lao động

Trong thư gửi các doanh nghiệp (DN), công đoàn cơ sở (CĐCS) và toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) dệt may, Công đoàn Dệt may Việt Nam cam kết luôn đồng hành, đồng tâm, đồng lực cùng DN và người lao động (NLĐ) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Công đoàn Dệt may Việt Nam: Chăm lo toàn diện người lao động
Cửa hàng công đoàn tăng cường thêm các mặt hàng nhu yếu phẩm giá rẻ phục vụ CNLĐ trong mùa dịch

Thư kêu gọi nêu rõ, hiện một số DN ngành dệt may trong vùng dịch đang nỗ lực triển khai phương án “3 tại chỗ” và phương án “1 cung đường 2 địa điểm”. Ở thời điểm tiếp theo, có thể sẽ có những phương án khác được áp dụng. Tất cả đều nhằm hướng tới mục tiêu phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD), chăm lo ổn định cuộc sống của NLĐ.

 

Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng kêu gọi: Các DN nêu cao trách nhiệm của “người chủ gia đình” trong bảo đảm an toàn, việc làm, đời sống cho NLĐ. Không để một thành viên nào khó khăn mà không được giúp đỡ. Các CĐCS phối hợp chặt chẽ với chuyên môn tổ chức các phương án sản xuất, phòng, chống dịch hiệu quả, chăm lo toàn diện cho NLĐ, nắm chắc và tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn sản xuất và chống dịch. Toàn thể cán bộ, đoàn viên, NLĐ cần thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của DN, sẵn sàng bám máy bám chuyền, tham gia các phương án sản xuất; sẵn sàng tăng ca để hoàn thành tối đa các đơn hàng; cùng đồng nghiệp nhắc nhở nhau kiên trì vượt khó…

 

Theo lãnh đạo Công đoàn Dệt may Việt Nam tính đến giữa tháng 7/2021, toàn ngành đã có 86 ca F0 nằm rải rác ở các DN. Hiện, tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh rất nhiều đơn vị phải dừng sản xuất hoặc cho NLĐ làm việc giãn cách do nằm trong khu vực bị phong tỏa và có ca F0.

 

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tại cấp cơ sở, các CĐCS đã phối hợp với chuyên môn triển khai nhiều hoạt động: Tổ chức đo thân nhiệt, phun khử khuẩn hàng ngày và khi ra vào đơn vị, yêu cầu 100% CNLĐ đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc gel kháng khuẩn; tổ chức cho NLĐ ăn ca giãn cách theo giờ, bàn ăn có vách ngăn; hướng dẫn và giám sát việc thực hiện nguyên tắc “7K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế - Khu cách ly an toàn - Kiểm soát biên giới) trong DN; tổ chức “đi chợ hộ công nhân” để hạn chế việc NLĐ phải tiếp xúc với bên ngoài cộng đồng…

 

Thời gian qua, các DN đã có nhiều cố gắng đảm bảo thu nhập cho NLĐ trong những ngày dịch bệnh, hỗ trợ NLĐ trong diện bị cách ly, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Một số đơn vị như: Tổng công ty May Đáp Cầu, Tổng công ty May Nhà Bè, Công ty CP Dệt May Đầu tư thương mại Thành Công… đã sớm tiếp cận nguồn vaccine tiêm phòng cho NLĐ. Công đoàn ngành cũng kịp thời hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho 27 CĐCS khu vực phía nam để đồng hành cùng DN phòng, chống dịch tại nơi làm việc; hỗ trợ cho 10 NLĐ là F0, hơn 200 người F1 và gần 400 người F2 tại các CĐCS phải nghỉ cách ly, tổng số tiền chi hỗ trợ NLĐ tính đến thời điểm hiện nay là 500 triệu đồng và hàng tỷ đồng hỗ trợ may trang phục áo dệt kim, khẩu trang tặng đội ngũ y bác sỹ, NLĐ phải cách ly y tế tập trung và các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An…

 

Các CĐCS ngành dệt may đã tích cực đóng góp vào quỹ từ thiện xã hội để hỗ trợ DN và NLĐ là các đối tượng F0, F1, F2 phải nghỉ việc để điều trị bệnh và cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tổng số NLĐ được hỗ trợ là 7.835 người với số tiền gần 11 tỷ đồng.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang