Thứ Sáu, 22/11/2024 12:03:16 GMT+7
Lượt xem: 8451

Tin đăng lúc 13-09-2017

Cộng đồng ASEAN hợp tác bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực

Với mục tiêu tạo ra các hệ thống bảo vệ người tiêu dùng quốc gia và khu vực toàn diện, được vận hành tốt thông qua việc thực thi pháp luật, cơ chế bồi thường có hiệu quả và nâng cao nhận thức công chúng, ngày 06/02/2017, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) và Hội đồng AEC đã thông qua Kế hoạch hành động chiến lược về Bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN giai đoạn 2016-2025 do Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) xây dựng.
Cộng đồng ASEAN hợp tác bảo vệ người tiêu dùng trong khu vực
Cộng đồng ASEAN hợp tác bảo vệ người tiêu dùng

Như đã biết, mặc dù Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chung một thị trường hàng hóa, dịch vụ kể từ ngày 31/12/2015, nhưng chưa có một khung pháp lý chung trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để thực hiện chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong ASEAN, thì Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) đã được thành lập vào tháng 8/2007. ACCP và ba nhóm công tác với công việc trọng tâm là thiết lập và giám sát các cam kết khu vực cũng như cơ chế thúc đẩy lợi ích của người tiêu dùng trong AEC.

 

Trong thời gian qua, các thành viên của ACCP đã có sự phối hợp, hợp tác khá chặt chẽ trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng khu vực ASEAN. Nhiều sáng kiến đã được triển khai như xây dựng website riêng, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cảnh báo về sản phẩm không an toàn, cơ chế phối hợp giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng ấn phẩm tuyên truyền về bảo vệ người tiêu dùng ASEAN,... Đặc biệt, trong một nỗ lực gần đây, các thành viên của ACCP đã thông qua bản Kế hoạch Hành động chiến lược về Bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN giai đoạn 2016-2025 (ASAPCP). Bản Kế hoạch này đã được AEM thông qua và đưa vào trong bản Kế hoạch hành động chiến lược thống nhất của AEC đến năm 2025 (Kế hoạch CSAP).

 

Cụ thể, từ nay đến năm 2025, sẽ thiết lập một khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng chung của ASEAN thông qua một mức độ cao hơn của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường việc thực thi và giám sát của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng các cơ chế bồi thường bao gồm các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế; Tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng (NTD) ở một mức độ cao hơn; Tăng cường thực thi an toàn sản phẩm với sự tham gia mạnh mẽ hơn của đại diện NTD và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, nhằm xây dựng sự tự tin cao hơn cho NTD và các giao thương xuyên biên giới; Khuyến khích các vấn đề liên quan đến người tiêu dùng trong các chính sách của ASEAN thông qua đánh giá tác động của các chính sách bảo vệ người tiêu dùng và phát triển các chính sách dựa trên tri thức; Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ như tài chính, thương mại điện tử, vận tải hàng không, năng lượng và viễn thông.

 

Để đạt được những mục tiêu cụ thể trên, Kế hoạch đã chỉ ra các hành động chính cần thực hiện và lộ trình thời gian hoàn thành như:

 

- Năm 2017: Áp dụng một bộ Các nguyên tắc cấp cao cho bảo vệ người tiêu dùng.

 

- Năm 2018: Xây dựng Sổ tay về Bảo vệ người tiêu dùng; Thiết lập trang web và cơ sở dữ liệu về "các điều khoản hợp đồng không công bằng" và bản hướng dẫn cho người tiêu dùng; Phát hành báo cáo về nhu cầu và hạn chế trong việc tiếp cận cơ chế bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong ASEAN; Phát triển các công cụ phổ biến thông tin và công cụ tương tác trực tuyến và học từ xa; Tăng cường sự vận hành có hiệu quả của Hệ thống Cảnh báo Sản phẩm ASEAN.

 

- Năm 2019: Xây dựng Chỉ số Quyền của Người tiêu dùng ASEAN;

 

- Giai đoạn 2016-2025: Tiến hành các hoạt động tuyên truyền trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, vận tải hàng không và viễn thông; Phối hợp và thực hiện giám sát định kỳ các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong các lĩnh vực này; Tiến hành việc rà soát tự nguyện cho các luật bảo vệ người tiêu dùng; Thúc đẩy sự phát triển và thực hiện các chính sách tiêu dùng bền vững và sự lồng ghép của chúng với các chính sách công khác; Hoàn thiện phương thức thông tin và nâng cao nhận thức về các chính sách tiêu dùng và cạnh tranh và sự vận hành có hiệu quả của thị trường.

 

- Giai đoạn 2020-2025: Xây dựng khuôn khổ cho việc thu thập và đánh giá các dữ liệu về thiệt hại do sản phẩm gây ra; Thiết lập hệ thống Giải quyết tranh chấp Trực tuyến quốc gia (ODR); Thiết lập một hệ thống quản lý nhận thức và trao đổi thông tin trong ASEAN; Xây dựng các bản hướng dẫn chung đối với Phương thức Giải quyết tranh chấp thay thế (ADR); Thiết lập cơ chế đánh giá tác động toàn diện; Hiện đại hóa (có tính đến các nguyên tắc cấp cao) các quy định liên quan của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng quốc gia (điều khoản hợp đồng không công bằng, thương mại điện tử, trách nhiệm sản phẩm/an toàn, thông tin cá nhân của người tiêu dùng); Phát triển mạng lưới ODR của ASEAN; Thiết lập cơ chế khiếu nại và điều tra (2016-2025); Thành lập các tòa án quốc gia để giải quyết các vụ việc khiếu nại nhỏ và/hoặc Hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế.

 

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN đang ủng hộ sử dụng hàng hóa của các nước trong khối AEC. Với việc các nước ASEAN cùng nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược Bảo vệ người tiêu dùng của ASEAN, tin tưởng rằng hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của khu vực ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng sẽ được nâng lên một tầm cao mới trong thời gian tới. Qua đó, người tiêu dùng của ASEAN và Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn, các trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm thông qua các giao dịch mua bán, tiêu dùng xuyên quốc gia sẽ bị hạn chế, ngăn chặn; các doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội hơn để nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình kể cả trong nước và khu vực./.

 

Đức Minh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang