Điển hình như tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (quy mô hơn 410 ha) đã triển khai nhiều mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại của Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Những sản phẩm trồng trọt theo mô hình công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP mang lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận lên tới 500 triệu đồng/vụ và có thể canh tác 3 vụ/năm. Mô hình trồng chuối xuất khẩu tại đây cũng đem lại lợi nhuận tới hơn 300 triệu đồng/ha…
Mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại tại đây đang được tỉnh nhân rộng để nâng cao giá trị kinh tế tại các xã nông thôn mới. Trong đó, khuyến khích các mô hình mẫu cải tiến nhà kính, nhà lưới và mô hình chuyên canh.
Tại Bình Dương hiện đã hình thành 4 khu nông nghiệp kỹ thuật cao với diện tích 979 ha đang phát triển khá hiệu quả. Nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao đem lại doanh thu cao, từ 500 - 600 triệu đồng/ha/vụ.
Bên cạnh đó, nhiều chuỗi trang trại chăn nuôi được đầu tư mạnh về công nghệ cũng đang hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 84 trang trại và 6 công ty đầu tư gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt, 58 công ty đầu tư nuôi lợn.
Đặc biệt, trong quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nhiều nông dân Bình Dương đã xây dựng nên những thương hiệu đặc sản nổi tiếng như măng cụt Lái Thiêu, bưởi da xanh Thanh Thủy, quýt đường Hiếu Liêm…
Điển hình như cựu chiến binh Nguyễn Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) khởi nghiệp từ mô hình trang trại và đã xây dựng thành công thương hiệu “Bưởi da xanh Thanh Thủy”. Hằng năm, trang trại này đã cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu từ 200-300 tấn bưởi sạch với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.
Nguồn: Chinhphu.vn