Thứ Năm, 10/10/2024 14:39:00 GMT+7
Lượt xem: 1032

Tin đăng lúc 02-04-2022

Công nghệ đã giúp thương mại điện tử bứt tốc

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thương mại điện tử đã giúp lĩnh vực này tăng tốc phát triển, thúc đẩy hàng hóa trong nước vào các thị trường lớn.
Công nghệ đã giúp thương mại điện tử bứt tốc
TMĐT cần có các chính sách mang tính khuyến khích và hạn chế các quy định văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán đồng nhất

Thúc đẩy xuất khẩu

 

Theo dự đoán của Google, Temasek dự kiến tới năm 2025, thương mại điện tử của Việt Nam có thể sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng 34% - mức cao nhất trong khu vực. Tại thị trường trong nước các thương hiệu như Thế giới Di động, Tiki, Sendo, Lazada, Shopee, Bách hóa Xanh và FPT Shop.... đang tích cực thay đổi áp dụng công nghệ để cạnh tranh đón đầu xu hướng trong bối cảnh hội nhập. 

 

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp đại diện Lazada cho biết, Lazada đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực lớn để ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động của nền tảng, chẳng hạn như Trung tâm Hỗ trợ nhà bán hàng Lazada cho phép nhà bán hàng của chúng tôi nhanh chóng tạo gian hàng chỉ trong ba bước. Hoặc nâng cấp công nghệ khác trong hệ thống logistics của Lazada như dự án Apollo, hoàn thành vào năm 2021, đây là một dự án tích hợp và được thiết kế cho tương lai cho phép quản lý mạng lưới và dữ liệu, phân bổ và kiểm soát các tuyến đường vận chuyển ngắn và tiết kiệm chi phí nhất.  

 

Ngoài ra công nghệ còn giúp các trung tâm phân loại nâng cao hiệu quả rõ rệt cho hệ thống logistics tại Lazada, giảm tỉ lệ sai sót khi phân loại, giúp quá trình phân loại hàng hóa tinh gọn, chính xác, hạn chế tối đa hiện tượng nhầm lẫn trong quá trình vận chuyển và cắt giảm nhân sự. Hệ thống này giúp tăng khả năng xử lý của Lazada lên hơn 5 triệu đơn hàng mỗi ngày vào giai đoạn tháng 9 năm 2021.

 

Không những vậy, theo khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến của Lazada được tiến hành vào tháng 3 năm 2022, có đến 76% người mua hàng Việt cho rằng Lazada khiến trải nghiệm mua hàng của họ trở nên thú vị và giải trí hơn. Đơn cử như dịp Lễ hội mua sắm 11.11 vừa qua – ngay sau đợt giãn cách xã hội, doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gần gấp 2 lần; số lượng thương hiệu, nhà bán hàng tham gia trong Lễ hội mua sắm lần này cũng tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Các sàn thương mại điện tử cho rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ, thanh toán và hậu cần nhằm cung cấp trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người dùng và nhà bán hàng. Bởi những giải pháp này không chỉ nâng cao trải nghiệm mua sắm của hàng triệu người dùng trên nền tảng, mà còn giúp các doanh nghiệp, nhà bán hàng, bất kể lớn nhỏ, kinh doanh trực tuyến hiệu quả và bền vững.

 

Chẳng hạn vừa qua, Lazada phối hợp cùng các đối tác thực hiện chương trình hỗ trợ vải thiều Bắc Giang vào giữa đợt giãn cách xã hội năm 2021. Hoạt động này đã giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân Bắc Giang phát triển kinh doanh, mở thêm kênh tiêu thụ mới trên nền tảng số.

 

Qua đó cho thấy lợi ích của công nghệ đã giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp SME tại Việt Nam số hóa hoạt động kinh doanh của họ và bắt đầu bán hàng cho hàng triệu người tiêu dùng một cách dễ dàng.

 

Đánh giá về lợi ích của công nghệ, đại diện của sàn thương mại điện tử Alibaba.com cho biết, với hơn 20 năm kinh nghiệp trên lĩnh vực này, nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng không hề mất đi mà đã dịch chuyển sang các nền tảng số khác. Alibaba.com đang nỗ lực đa dạng hoá, nhằm nâng cao trải nghiệm cho người tiêu cùng cũng như hướng tới mở rộng thị trường đến 17 quốc gia lớn như: Hoa Kỳ, Canada, Hàn quốc…

 

Không chỉ vậy, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở tận dụng hiệu quả hội nhập kinh tế để tăng trưởng chất lượng hơn, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thông qua tăng hàm lượng đóng góp của khoa học công nghệ.

 

Trong quá trình này, ứng dụng của công nghệ số trong các công đoạn của chuỗi giá trị đang dần trở nên phổ biến hơn như: ứng dụng blockchain trong logistic, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mô hình thương mại không giấy tờ…

 

“Phương thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại ngày càng đa dạng hơn. Động lực thực sự của xu hướng dịch chuyển nói trên xuất phát từ thực tế mọi loại hình kinh doanh, mọi doanh nghiệp bất kể lớn hay nhỏ trên toàn cầu đã và đang phải đối mặt với một thị trường thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, đòi hỏi mọi mô hình kinh doanh và quản lý theo truyền thống phải thay đổi một cách căn bản và thích ứng”, đại diện sàn thương mại điện tử Alibaba chia sẻ.

 

Cần tinh giảm thủ tục hành chính

 

Sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế. Song thực tiễn lại đang phát sinh một số vấn đề bất cập về khung khổ pháp lý và quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực này đã không còn phù hợp, khó đáp ứng các yêu cầu về quản lý; thậm chí, gây nên không ít vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi.  

 

Trong đó cần hạn chế tối đa các văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán, rườm rà, gây mất thời gian từ các Bộ, ngành khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mặc dù đã được sửa đổi bổ sung nhưng Nghị điịnh mới thủ tục còn rườm rà, mất thời gian cho doanh nghiệp.

 

Chẳng hạn như theo điểm b, c, d khoản 5 Điều 67c của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 29/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 về Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử có viện dẫn; Trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an có văn bản nêu rõ ý kiến chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của nhà đầu tư, gửi lại Bộ Công Thương trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Công Thương; và trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Bộ Công Thương có văn bản trả lời cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định. Thời hạn xin ý kiến Bộ Công an không tính vào thời hạn cho ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật. 

 

Như vậy ngoài thời gian chờ đợi thẩm định của Bộ Bông an trong vòng 20, thì doanh nghiệp phải chờ sự chấp thuận của Bộ Công thương, chưa kể thời gian hoàn thành, cấp phéo của các thủ tục khác. Điều này thể hiện về thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu linh hoạt trong thời đại công nghệ số về vấn đề cấp phép và phê duyệt. Rào cản là một trong các nguyên nhân làm giảm sự thu hút của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tham gia, kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

 

Do đó theo các chuyên gia khuyến nghị để lĩnh vực thương mại điện tử được phát triển hơn nữa thích ứng với nền tảng công nghệ, mang lại giá trị cho nền kinh tế thì cần có các chính sách mang tính khuyến khích và hạn chế các quy định văn bản dưới luật thiếu tính nhất quán đồng nhất, rườm rà. Đồng thời cần ban hành các quy định rõ ràng, hướng dẫn trong vấn đề quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp, nhà cung cấp hoạt động dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang