Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:36:56 GMT+7
Lượt xem: 15153

Tin đăng lúc 15-11-2018

Công nghệ không dành cho doanh nghiệp 'yếu bóng vía'

Được biết đến với tiềm năng lớn, song để thực sự được ứng dụng ra thực tiễn, công nghệ cần nhiều hơn những doanh nghiệp dám nghĩ - dám làm - dám dấn thân.
Công nghệ không dành cho doanh nghiệp 'yếu bóng vía'
Ông Albert Antoine – Chuyên gia tư vấn về AI và công nghệ tại CEO Forum 2018

Trước lĩnh vực đòi hỏi tư duy luôn cập nhật như công nghệ, người dùng thường được ví như một đứa trẻ đang khám phá thế giới: bước đầu tò mò, thích nghi và dần tiếp cận như một công cụ để thay đổi hành vi, cuộc sống. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển ngày một nhanh, khi sự thích nghi của người dùng được đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn là bản năng; công nghệ - ngoài những cơ hội, đang đặt ra nhiều thử thách lớn cho đối tượng sử dụng, trong đó có doanh nghiệp.

 

Trở lại Việt Nam, những công nghệ mới như xu hướng 4.0 dù đã có những bước đầu tiếp nhận sôi nổi, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu các điển hình về ứng dụng trong kinh doanh. Hạn chế về vốn đầu tư, thiếu kỹ năng và nguồn lực được nhận định là những trở lực chung cho quá trình chuyển đổi. Nhưng thực tế, tư duy người lãnh đạo mới chính là yếu tố tiên quyết, có ảnh hưởng lên toàn bộ những trở lực đặt ra.

 

Ông Albert Antoine – Chuyên gia tư vấn về AI và công nghệ, người có nhiều năm cộng tác với các doanh nghiệp hàng đầu và chính phủ - gần đây nhất là Singapore, đã có một số nhận định về vị trí của nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong bức tranh chung công nghệ, bên thềm sự kiện Vietnam CEO Forum 2018 vừa qua.

 

“Bùng nổ”

 

Phát triển với tốc độ số mũ, những sản phẩm cộng nghệ một thời gian trước đây ở thì “tương lai, nay đã thành hiện thực. Robot, trí tuệ nhân tạo… được nhắc đến không ít lần trong mọi hội thảo, trang báo và các cuộc họp chiến lược quan trọng.

 

Trên thế giới, thời kỳ 2001 – 2016, nhìn lại tốp 5 công ty toàn cầu có giá trị cao nhất dựa trên vốn hóa thị trường (market cap), phần lớn thuộc ngành dầu khí và mãi đến 2006 mới có 1 công ty công nghệ góp mặt (Microsoft) thì ngày nay những công ty hàng đầu danh sách này đã hoàn toàn là các công ty công nghệ.

 

Bên cạnh đó, sự đang lên của hiện tượng Trung Quốc tại nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ (Trung Quốc chi gần 300 tỉ USD cho lĩnh vực R&D về AI) đang đặt ra cho doanh nghiệp khu vực và thế giới những áp lực cao hơn trong cuộc đua xu thế.

 

Bên cạnh đưa thực trạng, ông Albert Antoine cũng không quên đề cập những khu vực tiềm năng cho công nghệ hiện nay, gồm có: nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao là chiến lược “sống còn”), giao thông (dự đoán có hiệu quả cải thiện đến 10% và giảm các chi phí xây dựng hạ tầng nếu biết ứng dụng đúng công nghệ) và thương mại – B2B và B2C (thương mại điện tử là “miền đất hứa” cho các sản phẩm, ứng dụng mới trong công nghệ).

 

“Những rủi ro”

 

Được nói đến phổ biến nhưng nhiều công nghệ hiện nay vẫn bị ngộ nhận hoặc hiểu chưa đầy đủ, nhất là tại các quốc gia tiếp cận sau như Việt Nam, điển hình như câu chuyện blockchain, botcoin và big data… Do đó, tiếp cận nguồn thông tin chuẩn xác, với cả doanh nghiệp lẫn người dùng, được xem là việc làm trước mắt để rút ngắn khoảng cách khai thác tiềm năng từ công nghệ mới.

 

Cụ thể, blockchain có thể là một giải pháp tối ưu hóa hoạt động xây dựng hợp đồng (hợp đồng thông minh); Iot hay Big Data, ngoài kho dữ liệu khổng lồphục vụ hệ thống điều khiển, bán hàng còn có những khác cần khai thác như mô tả và phân tích dữ liệu, hướng đến dự đoán những rủi ro, doanh nghiệp từ đó sẽ có những chuẩn bị, phản ứng phù hợp để ứng phó với những khủng hoảng có thể xảy ra.

 

Thứ hai, nguồn lực về con người cũng là một vấn đề cần được tập trung. Công nghệ dù tiên tiến đến đâu, cũng không thể thiếu người vận hành và quản lý; người làm kỹ thuật tốt và đáng tin cậy, không chỉ là động lực giúp doanh nghiệp phát triển, mà còn là nhân tố quyết định “vận mệnh” doanh nghiệp trong thời đại số.

 

Một số doanh nghiệp tuy có công nghệ, nhân lực tay nghề cao nhưng lại thiếu kỹ năng về công nghệ, về lâu dài sẽ phát triển chậm hơn với các doanh nghiệp khác, hạn chế về nội lực nhưng có thế mạnh về tiếp nhận công nghệ. Do đó, ngày nay, trước khi mở rộng mô hình kinh doanh hay trang bị công nghệ mới, hạ tầng về nhân lực số sẽ là nội dung trọng tâm mà các doanh nghiệp nên lưu ý.

 

Câu chuyện điển hình từ các “ông lớn” như hệ thống tối ưu hóa chuỗi cung ứng của Amazon (logistics optimization), hệ hỗ trợ quyết định phân tích người dùng của hãng mỹ phẩm L’Oreal (DSS for persona analysis), công cụ nhận diện hành vi mua hàng qua việc nhấp vào hình ảnh của trang Voyageprive.com… là một vài trong hàng trăm tiềm năng khác của công nghệ đang được cập nhật, ứng dụng mỗi ngày. Nếu không có nguồn nhân lực đủ kỹ năng và đáng tin cậy, doanh nghiệp khó mà tiếp cận cuộc chơi chung, dù có mạnh về tài chính.

 

“Hãy dấn thân”

 

Nhiều diễn giả cũng cho rằng, muốn lướt sóng công nghệ, doanh nhân Việt phải chủ động nhiều hơn.
Trở lại Việt Nam, ông Antoine cho rằng, một nguyên nhân lớn khiến việc tiếp cận còn chậm là ở tư duy “dấn thân” của doanh nhân, nhiều người lấy lí do có hạn chế về kinh phí và nguồn lực nên không thể triển khai.

 

Công nghệ, cũng như một sản phẩm ứng dụng, luôn có cơ hội sử dụng cho mọi người. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ có những giải pháp hợp lý và đầy đủ cho một bộ phận hoặc cả mô hình kinh doanh của mình với chi phí tiết kiệm hơn các doanh nghiệp lớn, đây cũng là một lợi thế. Thứ hai, do quy mô ít phức tạp, việc chuyện đổi số toàn bộ hệ thống (nếu có) cũng sẽ dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp khổng lồ.

 

Hướng tới việc hiện thực hóa những ưu điểm này, yêu cầu đầu tiên được đặt ra là sự lựa chọn phù hợp công nghệ để ứng dụng, chứ không phải bài toán chi phí – như nhiều người vẫn nghĩ (do vẫn có các giải pháp tiết kiệm). Chủ doanh nghiệp có thể liên hệ các đơn vị tư vấn công nghệ - khu vực kinh doanh hiện cũng bắt đầu phát triển tại Việt Nam với đa dạng công ty, để có thể đơn giản hóa quá trình này.

 

Nói tóm lại, lên được con tàu “số hóa”, doanh nghiệp trước hết phải cầm “tấm vé vàng” đến từ sự quyết liệt của những người làm chủ. Trong đó, chi phí mua vé không nằm ngoài một tư duy đúng (quan trọng nhất), khả năng nắm bắt sự đổi mới (embrace innovation) và năng lực tự học của chủ doanh nghiệp.

 

Theo Theleader


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang