Các nhà khoa học tại Đại học Rice (Mỹ) đang nỗ lực phát triển một hệ thống điều trị ung thư tiên tiến, có thể giảm 50% tỷ lệ tử vong do căn bệnh này. Dự án đã nhận được 45 triệu USD tài trợ từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Nâng cao Y tế.
Mục tiêu của nghiên cứu là phát triển công nghệ “cấy ghép cảm biến và phản ứng” nhằm cải thiện kết quả của liệu pháp miễn dịch đối với các bệnh ung thư khó điều trị.
Omid Weiseh, một kỹ sư sinh học tại Đại học Rice, cho biết : “Thay vì điều trị bệnh nhân theo cách thông thường, chúng tôi sẽ sử dụng quy trình xâm lấn tối thiểu để cấy ghép một thiết bị nhỏ liên tục theo dõi bệnh ung thư và điều chỉnh liệu pháp miễn dịch trong thời gian thực”.
Bộ cấy ghép, được gọi là bộ điều chỉnh sản xuất phân tử lai (HAMMR), sẽ hoạt động trên cơ sở khép kín, tương tự như máy bơm insulin cho bệnh nhân tiểu đường. Thiết bị sẽ trao đổi dữ liệu qua điện thoại thông minh.
Thiết bị cấy ghép dự kiến sẽ được sử dụng trong thời gian ngắn, tiêu diệt tế bào ung thư chỉ sau 60 ngày. Tiến sĩ Amir Jazaeri cho biết: “Các liệu pháp ngày nay coi ung thư là một căn bệnh tĩnh. Công nghệ của chúng tôi sẽ cung cấp dữ liệu xung quanh khối u theo thời gian thực, cho phép phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn”.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các chuyên gia từ 20 phòng thí nghiệm ở 7 tiểu bang của Mỹ. Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ kiểm tra hiệu quả của thiết bị cấy ghép trong điều trị ung thư buồng trứng tái phát. Các nhà khoa học hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng công nghệ mới trên người trong vòng 5 năm tới.
Theo Vietnamnet