Phát triển công nghiệp dựa trên tiềm năng và thế mạnh
Trong vòng 5 năm qua (2016- 2020) trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) giá trị sản xuất công nghiệp của TP. Cần Thơ đóng góp khoảng 15,2% trong cơ cấu công nghiệp của toàn vùng và đứng thứ 2/13 địa phương trong vùng (sau Long An).
Nếu tính tính trong vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL (Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang) thì giá trị sản xuất công nghiệp của TP. Cần Thơ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất và chiếm tới 44,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Theo giá trị đóng góp của từng nhóm ngành công nghiệp, tính đến nay TP. Cần Thơ có 5/9 nhóm ngành có tính dẫn dắt công nghiệp vùng ÐBSCL như sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống (chiếm 46,2%); hóa chất, hóa dược (chiếm 54,9%); cơ khí, sản xuất kim loại (chiếm 57,4%); dệt may, da giày (chiếm 41,6%)...
Ngành chế biến thủy sản được xem là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của TP, đạt kim ngạch xuất khẩu trung bình hằng năm khoảng 570 triệu USD và luôn duy trì chiếm từ 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu của TP. Hay ngành xay xát, chế biến gạo của TP trong những năm gần đây đạt công suất bình quân từ 4,2- 4,3 triệu tấn/năm, song sản lượng gạo chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của TP nhờ các DN tập trung đầu tư nhà máy ở địa bàn vùng nguyên liệu, gắn với đầu tư kho chứa, hiện đại hóa quy trình sản xuất.
Đóng góp cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, cộng đồng DN của TP. Cần Thơ đã chủ động đổi mới công nghệ, khép kín quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm truy xuất nguồn gốc từ đầu vào đến đầu ra. Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới, vượt qua khó khăn khủng hoảng do ảnh hưởng từ dịch bệnh đã và đang là những mục tiêu quan trọng của ngành sản xuất công nghiệp, cộng đồng DN tại đây.
Phát triển công nghiệp xứng tầm là trung tâm của vùng ĐBSCL
Phát triển công nghiệp của TP. Cần Thơ dựa trên nội lực và lợi thế cạnh tranh nhất định, vừa mang những đặc điểm chung của vùng ÐBSCL vừa mang những dấu riêng của một TP trung tâm vùng ĐBSCL.
Theo đó, tháng 3/2021, UBND TP. Cần Thơ ban hành Quyết định số 550/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp TP. Cần Thơ theo hướng hiện đại. TP. Cần Thơ phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, có xu hướng tăng nhẹ và chiếm khoảng 33,7- 34% trong cơ cấu kinh tế của TP, tính riêng ngành công nghiệp chiếm khoảng 28- 29%. Giai đoạn 2026- 2030, dự kiến đạt mức tăng trưởng công nghiệp 7,5- 8%/năm. TP xác định chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp theo hướng tăng dần cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, sắp xếp các nhóm ngành công nghiệp theo mức độ ưu tiên để phân bổ hợp lý các nguồn lực theo thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Để tạo nguồn lực cho phát triển, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, mức đầu tư của các DN trong ngành công nghiệp thời gian qua có sự gia tăng đáng kể. Từ phía các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP luôn bám sát định hướng phát triển của TP để tập trung các hoạt động cho vay nhất là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông thủy sản.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, TP. Cần Thơ cũng kịp thời bổ sung các chỉ tiêu mới: Tốc độ tăng năng suất lao động, tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị, tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm, để tập trung nắm bắt cơ hội, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bền vững của nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, thực hiện các mục tiêu phát triển mới, Cần Thơ đang nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm đa dạng hóa nguồn vốn và thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Trung ương và các địa phương bên ngoài để xây dựng hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ, hướng DN sản xuất và đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Phát huy nguồn nội lực trong đầu tư phát triển công nghiệp, tái cơ cấu sản xuất công nghiệp đặt trong mối quan hệ tổng thể với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế của TP, phù hợp với quá trình tái cơ cấu công nghiệp chung của cả nước và vùng ĐBSCL nhằm đưa công nghiệp TP. Cần Thơ phát triển tương xứng với vai trò đầu tàu của vùng ĐBSCL.
Theo Congthuong