Nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT, thế nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt không thấy mặn mà, bởi lẽ các chính sách chủ yếu tập trung vào trợ giúp hành chính, trong khi DN cần được ưu đãi thuế, trợ giúp chuyển giao công nghệ, bởi thế mà sau nhiều năm có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp Việt tham gia lĩnh vực này vẫn chỉ dừng lại ở “rìa ngoài”, chưa đủ lực tham gia sâu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều chủ DN cho biết họ phải tự bỏ nguồn vốn tự có của mình để nâng công suất nhà máy đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà chưa nhận được hỗ trợ nào từ chính sách ưu đãi vốn, lãi suất dành cho DN làm CNHT.
Lãnh đạo một DN sản xuất giấy công nghiệp thừa nhận thời điểm Samsung đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử gia dụng, điện lạnh trị giá hơn 1,4 tỉ USD ở TP HCM, ông cũng tìm hiểu để trở thành nhà cung cấp phụ trợ cho tập đoàn này nhưng phải bỏ cuộc bởi: “Muốn trở thành nhà cung cấp bao bì cho Samsung, tôi phải đầu tư thêm dây chuyền, thậm chí xây nhà máy mới với công suất đủ lớn để có giá thành cạnh tranh. Điều này không đơn giản với một DN quy mô vừa vì thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận vốn ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là quá khó”.
Theo một số chuyên gia, để xây dựng ngành CNHT tại Việt Nam, cần có bộ phận của Nhà nước chuyên trách thúc đẩy, giám sát quá trình thực hiện các cam kết của DN FDI trong việc hỗ trợ DN nội địa tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, kể cả chuyển giao công nghệ. Lâu nay, các cam kết phát triển CNHT của DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam là có nhưng không có bộ phận giám sát quá trình này nên hiệu quả không cao.
Tại Hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI – Nhật) tổ chức mới đây, chuyên gia của MRI, thẳng thắn chỉ ra thực tế là các trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Việt Nam hiện chỉ tập trung hỗ trợ hành chính, chứ không tư vấn về công nghệ, kỹ thuật như ở Nhật. Do đó, việc hỗ trợ không đáp ứng nhu cầu của DN, dẫn đến lãng phí rất lớn về tài chính và nhân lực.
Tham gia vào chuỗi cung ứng của một sản phẩm nào đó, cơ hội thường được mở ra cho tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp trong nước thường bị hạn chế về tài chính, công nghệ và trình độ quản lý nên đã đánh mất nhiều cơ hội. Việc hỗ trợ chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa hội nhập cho các DN Việt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Nguyễn Hoa