Thứ Sáu, 22/11/2024 08:19:56 GMT+7
Lượt xem: 1542

Tin đăng lúc 23-09-2023

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam làm thế nào tận dụng cơ hội sau đại dịch?

Quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong đại dịch mang đến nhiều thuận lợi, song cũng là thử thách lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam. Trong hơn 1 năm qua, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam gần như không tăng lên, vẫn chỉ ở mức 37%. Trong khi đó, tỷ lệ thu mua từ DN Việt Nam vẫn chỉ ở mức thấp là 15% bởi sản phẩm CNHT chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng.
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam làm thế nào tận dụng cơ hội sau đại dịch?
CNHT ở Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội sau hai năm dịch Covid-19

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng Văn phòng Jetro Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng, Việt Nam đã không tận dụng thành công quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong đại dịch. Lý do chính đến từ chất lượng sản phẩm cung ứng của DN Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của DN Nhật Bản, nên vẫn khó chen chân vào chuỗi cung ứng.

 

Khảo sát của Jetro cho thấy, để ứng phó với chi phí tăng, DN Nhật Bản không chỉ thay đổi nhà cung cấp hay mua nguyên vật liệu thay thế cùng tăng cường trang thiết bị, áp dụng số hóa... Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa gần như đi ngang ở mức 37%, tỷ lệ thu mua từ DN Việt Nam vẫn chỉ ở mức rất thấp là 15%.

 

“Kết quả này cho thấy phát triển ngành CNHT vẫn đang có vấn đề. Khoảng 60% DN có phương hướng triển khai kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới nhưng phần lớn là dịch chuyển các chuỗi có sẵn từ các nước khác vào Việt Nam, chứ vẫn chưa thể tìm kiếm nhà cung ứng tại chỗ”, ông Nobuyuki Matsumoto phân tích.

 

Theo đại diện Jetro tại TP.HCM, năm 2022, GDP của Việt Nam tăng trưởng 8,02% nhưng lĩnh vực CNHT vẫn cần phải đầu tư hơn nữa để tăng tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế. Ngoài ra Việt Nam cũng cần cải thiện chất lượng lao động, tăng năng suất lao động để tăng tính cạnh tranh.

 

Nói riêng về ngành Ô tô, nhiều hãng ô tô đang mở rộng sản xuất các dòng xe để tăng tỷ lệ nội địa hóa, kỳ vọng cho ngành CNHT. Tuy nhiên, sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ đang đe dọa trực tiếp đến chiến lược mở rộng sản xuất của nhiều hãng xe ở Việt Nam.

 

Khi sản lượng tiêu thụ ô tô “lao dốc” nhiều tháng qua, giám đốc một DN sản xuất xe hơi bày tỏ nỗi sốt ruột khi tính toán doanh số toàn thị trường ô tô cả năm 2023 (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) có thể bị sụt giảm gần 17,5% so với năm 2022, tương đương với hơn 85.500 xe. Điều đáng chú ý là trong dài hạn, sự phát triển của ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, kéo theo tốc độ “ô tô hóa” tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến. Mà ngành công nghiệp ô tô đã chững lại thì tất nhiên các lĩnh vực CNHT cho ngành Ô tô cũng không thể tăng trưởng được.

 

Việt Nam đã đề ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và thu được 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Song với tình hình ảm đạm như hiện nay, rất có thể mục tiêu ấy sẽ không thể đạt được. Đây là điều đáng tiếc khi thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 đã có sự tăng trưởng tốt và vượt qua mốc 500.000 xe để thoát khỏi mác “thị trường nhỏ”.

 

Trong báo cáo gửi Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công ty Toyota Việt Nam, DN FDI lớn của địa phương có sản lượng quý I/2023 giảm 37%, tương đương giảm 2.802 xe so với quý I/2022. Doanh số bán giảm 24% tương đương giảm 1.760 xe, mức tồn kho tăng 347% tương đương tăng 1.931 xe.

 

Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho công nghiệp ô tô phát triển 

 

UBND tỉnh Ninh Bình trong văn bản gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành cũng phản ánh, việc sản xuất và tiêu thụ ô tô của Hyundai Thành Công bị sụt giảm lớn: Tháng 1/2023 sản lượng tiêu thụ chỉ đạt gần 3.000 xe, giảm 4.939 xe (tương đương 62,5%) so với tháng 1/2021 và giảm hơn 3.700 xe (tương đương 55,8%) so với tháng 1/2022.

 

Cần những cú hích về chính sách

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ô tô, xe máy, cơ khí. Qua quá trình theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN sản xuất trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cũng có DN đang đứng trước ranh giới của sự sống còn. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền thì có thể nhiều DN sẽ không duy trì được sản xuất kinh doanh.

 

Trên thực tế, nhờ lực đẩy từ chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ, đà suy giảm doanh số bán hàng của ngành công nghiệp ô tô đã được chặn lại. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã mang lại tác dụng đáng kể cho thị trường. Đặc biệt là việc áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, giúp DN sản xuất ô tô tại Việt Nam vượt qua khó khăn mà nguồn thu ngân sách của mặt hàng này giữ được đà tăng trưởng.

 

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng sản xuất trong nước kể từ cuối tháng 6/2020 đều tăng qua các tháng nhờ cú hích của chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước. Bằng chứng là từ tháng 6/2020, khi áp dụng chính sách này, sản lượng sản xuất đều tăng qua các tháng. Đến nửa đầu năm 2022 khi chính sách này tiếp tục áp dụng, doanh số xe du lịch tăng tới 49% so với cùng kỳ năm.

 

Theo ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí, tiền thuê đất có vai trò lớn. Trong đó giúp các DN ô tô cân đối được dòng tiền, tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường, vượt qua giai đoạn khó khăn.

 

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, để thị trường “hấp thụ” được chính sách hiệu quả hơn, phát huy tính lan tỏa cao hơn thì chính sách cần mang tính đồng bộ và dài hơi. Trên thực tế, những hỗ trợ vừa qua chưa đủ để DN và thị trường khôi phục được những tổn thương sau khủng hoảng.

 

Vừa qua, Toyota Việt Nam đưa thêm 2 mẫu xe vào sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam thay vì nhập khẩu, nâng tổng số lên 5 mẫu xe. Cuối năm 2022, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn ô tô Hyundai cũng đã khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 với công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, nâng tổng công suất lên 180.000 xe/năm. Hay với phân khúc cao hơn, Tập đoàn BMW cũng tuyên bố hợp tác với Thaco Auto để lắp ráp các mẫu xe BMW. Nhờ việc mở rộng sản xuất, Toyota đã triển khai các hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp, với 1.000 sản phẩm nội địa hóa. Còn với Thaco, hãng này đã công bố chiến lược đầu tư CNHT với 20 nhà máy sản xuất linh kiện quy mô lớn. Các DN liên tục đầu tư, mở rộng như vậy thì đương nhiên mong muốn hàng đầu chính là có được cơ chế chính sách, hỗ trợ lớn hơn nữa từ nhà nước.

 

Như đã phân tích, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô chính là lực kéo mạnh mẽ để ngành CNHT phát triển. Đặc biệt, khi thị trường có biến động thì các chính sách phản ứng kịp thời là cần thiết để DN tiếp tục đầu tư mở rộng. Do vậy, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như thời gian vừa qua. Vấn đề cốt yếu ở đây là những chính sách này cần được thực hiện một cách xuyên suốt, liên tục để thị trường thực sự phục hồi, duy trì sản lượng ổn định và tạo việc làm cho các ngành khác, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang