Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc hội thảo… thường nêu nhiều về khái niệm “công nghiệp phụ trợ” (CNPT). Công nghiệp phụ trợ là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Nếu kể các sản phẩm tương tự thì phạm vi sẽ rất rộng, nhưng nếu thêm một đặc tính nữa sẽ thấy phạm vi rõ ràng hơn. Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng, vừa thâm sâu.
Công nghiệp phụ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài, nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng chi phí đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu. Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác. Vì lý do này, công nghiệp phụ trợ không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng giới hạn trong một số ít các ngành. Sự phát triển của CNPT phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trước hết phải kể đến quy mô cầu (hay dung lượng thị trường). Điều này xuất phát từ thực tế rằng, ngành CNPT là ngành đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ hiện đại. Để giảm thiểu chi phí trên một đơn vị sản phẩm, các doanh nghiệp phải tính đến lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư muốn đảm bảo một thị trường có dung lượng lớn (hoặc ít ra có tiềm năng dung lượng lớn trong tương lai) trước khi ra quyết định đầu tư. Tình trạng thiếu thông tin và sự chênh lệch về tiêu chuẩn chất lượng giữa nhà cung cấp linh phụ kiện và các doanh nghiệp lắp ráp cũng là các nhân tố cản trở sự phát triển của ngành CNPT. Có thể nói rằng, ngành CNPT Việt Nam còn rất yếu kém. Theo ước tính của Bộ Công Thương, ngành CNPT hiện lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thực trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam không muốn đầu tư nhà xưởng vì lâu thu hồi vốn, họ chỉ thích nhập về bán lại thu lợi nhuận. Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiếp cận khá thuận lợi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ lỡ một cơ hội lớn là trong khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh thì khả năng hấp thụ, tiếp thu chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại rất hạn chế. Lý do chính là Việt Nam thiếu vắng hẳn một nền CNPT. Có quá ít doanh nghiệp Việt Nam làm CNPT, phần lớn các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho các công ty nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa nên khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng kém. Các doanh nghiệp quốc doanh trong ngành CNPT vẫn duy trì phong cách làm ăn tự cung, tự cấp, thiếu sự liên kết chuỗi giá trị để tạo nên sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Ở nhiều nước, việc liên kết này có thể hình thành thông qua việc phát triển các cụm công nghiệp. Trong khi đó, ở Việt Nam các cụm công nghiệp được hình thành thiếu quy hoạch tổng thể, chủ yếu để giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất hơn là việc tạo nên chuỗi giá trị thông qua việc liên kết doanh nghiệp, kể cả sử dụng các dịch vụ tài chính và phi tài chính để khai thác lợi thế cạnh tranh. Do đó, ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ là một chiến lược quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như dệt may, da giày, điện tử và nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác.
Muốn phát triển nhanh chóng và bền vững ngành công nghiệp phụ trợ, trước hết phải có khuôn khổ pháp lý phù hợp. Việc đầu tiên cần làm là phải làm rõ định nghĩa mang tính pháp lý về CNPT. Tiếp đến là chính sách thúc đẩy các ngành CNPT, bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ kinh doanh..., cần được xây dựng trên cơ sở không phân biệt các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tìm kiếm, điều tiết thị trường, tạo mặt bằng, nhà xưởng cho thuê để sản xuất kinh doanh đối với các công ty, tập đoàn nước ngoài, cũng như các doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Phải nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực. Một điều hết sức hiển nhiên là nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các ngành CNPT. Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động lớn nhưng lại thiếu lực lượng kỹ sư có trình độ. Tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật các ngành thiết kế (bao gồm cả thiết kế mẫu mốt, thời trang, kiểu dáng công nghiệp), chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học để làm chủ các công nghệ được chuyển giao, nghiên cứu thiết kế tạo ra công nghệ nguồn và kiểu dáng sản phẩm riêng của Việt Nam. Thu hút sự hỗ trợ của Chính phủ các nước phát triển như Nhật Bản, EU… để đào tạo nguồn nhân lực cho CNPT. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Xây dựng cơ chế quản lý chất lượng hàng hoá là giải pháp hàng đầu. Theo đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế làm căn cứ cho việc định hướng phát triển; hỗ trợ phát triển và nâng cấp các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm hỗ trợ thuộc nhiều thành phần kinh tế đạt trình độ quốc tế; dành đủ kinh phí cho các Bộ, ngành triển khai xây dựng các tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở liên quan tới các sản phẩm hỗ trợ. Ngoài ra, khuyến khích các Viện nghiên cứu chuyên ngành cơ khí, công nghệ… triển khai nghiên cứu, thực nghiệm các đề tài, dự án gắn với nhu cầu phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu, chi tiết, linh phụ kiện, phụ tùng…
Xây dựng cơ sở dữ liệu CNPT. Hiện nay, tình trạng thiếu thông tin giữa các nhà lắp ráp FDI và các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện nội địa diễn ra rất phổ biến. Do vậy, cơ sở dữ liệu về CNPT là rất cần thiết để giảm tình trạng thiếu thông tin và mở rộng giao dịch giữa nhà lắp ráp FDI và nhà cung cấp trong nước. Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo nhiều, song đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn chưa được thực hiện. Cơ sở dữ liệu về CNPT này phải khác với danh bạ doanh nghiệp. Việt Nam đã có một số danh bạ doanh nghiệp theo kiểu như Trang vàng Việt Nam, danh bạ doanh nghiệp Việt Nam của VCCI, các danh bạ của các hiệp hội ngành nghề; tuy nhiên, đặc điểm chung là chỉ có tên công ty, sản phẩm chính và địa chỉ liên lạc. Vấn đề ở đây là các nhà lắp ráp FDI cần thông tin cụ thể hơn về các nhà cung cấp tiềm năng cao để giảm chi phí tìm kiếm, đồng thời lựa chọn được đối tác đáng tin cậy.
Một vấn đề vô cùng quan trọng trong việc đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ là cần tập trung tài chính cho lĩnh vực này. Cần thu hút các nguồn lực trong nước và nguồn đầu tư nước ngoài để tăng thêm súc cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Có thể nói, mục tiêu Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 đã được xác định là không hoàn thành. Nhưng để thúc đẩy tiến trình này hoàn thành trong một thời gian thích hợp, thì điều cốt lõi là phải đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ.
Hà Xuân