Thứ Sáu, 22/11/2024 23:03:19 GMT+7
Lượt xem: 6294

Tin đăng lúc 04-09-2019

Công nghiệp Thái Nguyên bứt phá

Tính đến hết tháng 7/2019, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt gần 401.770 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp Thái Nguyên bứt phá
Các cán bộ, công nhân Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn luôn chú trọng vận hành hệ thống máy móc thiết bị sản xuất bảo đảm an toàn, ổn định

Theo số liệu của Phòng Quản lý Công nghiệp – Sở Công Thương Thái Nguyên, tính đến hết tháng 7/2019, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 401.770 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, giá trị sản xuất của khu vực công nghiệp địa phương ước đạt trên 16.100 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng vọt

 

Có được kết quả này là do nhiều sản phẩm của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao (cụ thể như sản phẩm may tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 59,3%, các sản phẩm cao su và plastic tăng 26,9%). Cùng với đó, một số sản phẩm vật liệu xây dựng cũng đạt mức tăng cao (như đá khai thác tăng gần 29%, xi măng tăng trên 11%); nhóm ngành sản xuất, phân phối điện tăng trên 10%...

 

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may đều đạt kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, doanh thu lũy kế 7 tháng qua đạt trên 2.610 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt gần 128 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch năm. Tính đến ngày 15/8, tổng giá trị đơn hàng Công ty đã ký kết với các khách hàng ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch doanh thu năm 2019 và tăng 30% so với doanh thu năm 2018. Hiện nay, Công ty đang tập trung sản xuất để hoàn thành tốt các đơn hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho 14.000 lao động.

 

Tương tự, đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, Công ty CP May Thành Hưng, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội - Chi nhánh Thái Nguyên… cũng đã ký được những đơn hàng may xuất khẩu đến hết năm nay. Do đó, khả năng hoàn thành vượt kế hoạch đề ra của mỗi đơn vị là rất lớn. 

 

Phát triển bền vững

 

Theo các chuyên gia, sở dĩ công nghiệp địa phương đạt được sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trước hết, nhiều doanh nghiệp luôn nỗ lực đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc, luyện kim đen, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc…). Các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn trong việc thực hiện chế độ phúc lợi, bảo đảm quyền lợi của người lao động để họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Cùng với đó, nhiều dự án công nghiệp được đầu tư mới, mở rộng và bắt đầu đi vào hoạt động, như Nhà máy chế biến sâu khoáng sản của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ), Nhà máy Luyện xỉ của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi (tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương), Nhà máy sản xuất phôi thép, thép hình Hiệp Linh tại Khu công nghiệp Sông Công I… Từ đó góp phần đưa giá trị sản xuất của khu vực công nghiệp địa phương tăng mạnh. Về tình hình diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, giúp tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

 

Từ kết quả tăng trưởng tích cực trong những tháng đầu năm, nhiều khả năng khu vực công nghiệp địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành vượt kế hoạch đề ra năm nay về giá trị sản xuất. Ông La Hồng Ninh – Cục trưởng Cục Thống kê Thái Nguyên nhận định, năm nay, khu vực công nghiệp địa phương phấn đấu đạt giá trị sản xuất trên 28.450 tỷ đồng. Việc hoàn thành mục tiêu này là hoàn toàn khả thi vì từ nay đến cuối năm nhiều nhóm ngành được dự báo có khả năng về đích sớm và vượt kế hoạch đề ra (tiêu biểu nhất là nhóm ngành may, bởi một số công ty sẽ có thêm nhà máy mới đi vào hoạt động). Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp địa phương sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao do sự biến động của thị trường thế giới theo chiều hướng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc thực hiện lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương... 

 

Từ thực tế cho thấy, mặc dù ngành công nghiệp của tỉnh được dự báo là khó hoàn thành kế hoạch về giá trị sản xuất đề ra năm nay, nhưng xét về cơ cấu nội ngành thì khu vực công nghiệp địa phương vẫn ghi dấu ấn tăng trưởng tích cực.

 

Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm phát triển công nghiệp nội địa, trong đó có công nghiệp địa phương, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Từ đó góp phần quan trọng đưa ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững, giảm sự phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang