Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngô Quyết – Giám đốc Sở Công Thương về vai trò của ngành Công Thương Thái Nguyên trong chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.
PV: Những năm gần đây, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, đặc biệt là phát triển công nghiệp, vậy đâu là giải pháp chủ yếu để tỉnh có được kết quả đó, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngô Quyết: Trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đăng ký kinh doanh, chấp thuận đầu tư, cấp phép đầu tư có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các thủ tục hành chính mới ban hành được kiểm soát chặt chẽ và thực hiện rà soát thường xuyên. Đồng thời, tích cực tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính Par-Index; tăng cường rà soát, kiểm tra các đề án, kế hoạch thực hiện cụ thể tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện trên 600 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký quy đổi đạt trên 200.000 tỷ đồng, trong đó có 40 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm về công nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất như: Thiết bị điện tử của Tập đoàn Công nghệ cao Samsung; Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo; Cán thép Thái Trung; Khai thác mỏ sắt Tiến Bộ; Nhiệt điện An Khánh..., chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
PV: Ông có thể khái quát những định hướng cơ bản của tỉnh để khai thác tiềm năng thế mạnh tại các địa phương?
Ông Nguyễn Ngô Quyết: Xuất phát từ thực tế của địa phương, quan điểm phát triển ngành công nghiệp của tỉnh là huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, khuyến khích phát triển khu vực kinh tế dân doanh và đầu tư nước ngoài. Phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, trọng tâm trước mắt là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh là động lực phát triển; Khai thác các lợi thế sẵn có và cơ hội quốc tế, gắn kết sản xuất với dịch vụ, thương mại, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới; Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; Phát triển công nghiệp trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo. Đồng thời, ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược. Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý, nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: Vậy đâu là ngành/lĩnh vực được tỉnh ưu tiên phát triển?
Ông Nguyễn Ngô Quyết: Những nhóm ngành công nghiệp được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn ưu tiên phát triển gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhóm ngành cơ khí và luyện kim (giai đoạn đến năm 2025 ưu tiên máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, ô tô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo). Sau năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm: đóng tàu, kim loại màu và vật liệu mới. Nhóm ngành hóa chất (giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên hóa chất cơ bản, hóa dầu và sản xuất linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật, sau năm 2025 ưu tiên phát triển nhóm ngành hóa dược). Nhóm ngành chế biến nông, lâm, thủy sản (giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực và chế biến gỗ phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
PV: Tỉnh đã có những giải pháp gì để khai thác tiềm năng, thế mạnh và thực hiện các định hướng cơ bản đó, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngô Quyết: Thái Nguyên đang tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho CNH, HĐH. Đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ, có tỷ trọng giá trị quốc gia, giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng – năng lượng; luyện kim; cơ khí chế tạo; xây dựng; vật liệu mới; lọc hóa dầu; hoá chất cơ bản; điện tử; công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp chế biến nông sản. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25%, trong đó công nghiệp chế tạo khoảng 15%. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước. Khuyến khích phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao. Hình thành một số tổ hợp các doanh nghiệp có khả năng sản xuất sản phẩm lưỡng dụng. Phát triển các ngành dịch vụ, tập trung phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, viễn thông, logistics... Phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ vận tải, hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu. Phát triển các vùng và khu kinh tế. Nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch, nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và sử dụng tài nguyên. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
PV: Ngành Công Thương Thái Nguyên sẽ ưu tiên tập trung vào ngành/lĩnh vực nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Ngô Quyết: Mục tiêu tổng quát phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tới là: “Phát huy lợi thế so sánh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm 90% GRDP toàn tỉnh, phát triển công nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại” và để Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp trong khu vực và cả nước, tỉnh đã có chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp Thái Nguyên đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu với Tỉnh ưu tiên tập trung vào một số ngành có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao,; công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hạ tầng (sản xuất và phân phối điện năng, xử lý môi trường và chất thải). Chú trọng chất lượng tăng trưởng GDP của ngành (chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành, ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại...). Phát triển công nghiệp theo chiều sâu để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường, khai thác có hiệu quả các lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao, vị trí trung tâm vùng.
Phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia. Tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp. Ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Khuyến khích thu hút đầu tư những dự án công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung, góp phần xây dựng nông thôn mới, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và giá trị gia tăng của ngành. Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng nhanh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Sản xuất hàng xuất khẩu, gia tăng tỷ trọng công nghiệp ngoài quốc doanh, đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp chủ lực. Chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và lao động có trình độ không cao về khu vực nông thôn, huy động có hiệu quả các nguồn lực nội sinh, thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài. Phát triển các Khu, Cụm công nghiệp tập trung, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị. Phân bố hợp lý các loại hình sản xuất, quy mô theo địa bàn và trong các Khu, Cụm công nghiệp, Cụm TTCN và Làng nghề...
PV: Xin cám ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)