Sở đã xây dựng kế hoạch làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016; các hội nghị giao lưu trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, bám sát cơ sở, kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương, UBND tỉnh và các ngành liên quan có phương án tháo gỡ, giải phóng các sản phẩm tồn kho lớn trong lĩnh vực công nghiệp như: Xi măng, sắt thép (đồng bộ với phương án kích cầu tiêu dùng là đẩy mạnh việc đầu tư các dự án công thương, đầu tư xây dựng nông thôn mới...). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng phương án xử lý nợ xấu và các giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công thương, tiêu dùng và phát triển thị trường.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong năm qua đạt được rất khả quan. Tổng giá trị SXCN trên địa bàn ước đạt: 438.000 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2015). Trong đó, công nghiệp trung ương ước đạt 16.100 tỷ đồng (tăng 3,34%); Công nghiệp địa phương ước đạt 16.600 tỷ đồng (tăng 14,3%); Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 405.300 tỷ đồng (tăng 21%).
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2016 đạt 22,137 nghìn tỷ đồng (tăng 10,7% so với năm 2015). Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 1.415,5 tỷ đồng (giảm 3%); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 20.877,2 tỷ đồng (tăng 11,7%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24 tỷ đồng (tăng 12%). Chia tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2016 theo ngành kinh tế: Ngành thương nghiệp đạt 19.252,1 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 86,3% tổng số) tăng 11%; Ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.635 tỷ đồng, tăng 9%; Ngành Du lịch lữ hành đạt 20,5 tỷ đồng, tăng 9,8%; Nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng còn lại đạt 1.409 tỷ đồng, tăng 8,3%.
Do các công ty nước ngoài đã đi vào sản xuất ổn định, nên tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu không đột biến như năm 2015, nhưng năm 2016, giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh vẫn đạt 10,089 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,811 tỷ USD, tăng 20% và khu vực kinh tế trong nước đạt 278,3 triệu USD, giảm 0,2%.
Tình hình thị trường và giá cả trên địa bàn tỉnh trong năm qua tương đối ổn định. Tuy nhiên hoạt động vận chuyển tàng trữ, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu trên thị trường vẫn diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra 1.699 vụ, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 1.469 trường hợp vi phạm. Đặc biệt đã tịch thu tiêu huỷ 4 vụ vận chuyển lớn (1.642 kg) các sản phẩm nội tạng lợn không rõ nguồn gốc. Tổng số tiền thu phạt hành chính, bán hàng tịch thu, giá trị hàng tiêu huỷ, chuyển giao cơ quan khác xử lý năm 2016 đạt trên 4,9 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2015, bằng 170% kế hoạch năm.
Song hành với các hoạt động khác, công tác xúc tiến thương mại cũng được ngành chú trọng quan tâm. Trong năm qua, ngành tiếp tục duy trì trang website, Bản tin kinh tế Công Thương, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Thái Nguyên.
Tổ chức thành công hội chợ xuân Thái Nguyên năm 2016 với chủ đề “Mừng Đảng đón xuân – Giao thương mua sắm” từ ngày 15-21/01/2016; Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm Thái Nguyên 2016” được tổ chức từ ngày 05-11/1/2016; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi năm 2016 tại 3 xã, Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên (7-9/6); Quân Chu, huyện Đại Từ (11-13/6); Văn Hán, Đồng Hỷ (15-17/6); Xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại gian trưng bày và bán sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao do Trung tâm Xúc tiến thương mại quản lý; 6 chuyên mục phóng sự “Công Thương Thái Nguyên sát cánh đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp được đẩy mạnh. Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành 25 đề án với tổng kinh phí thực hiện năm 2016 là 4.794.050.000 đồng. Trong đó: Khuyến công quốc gia 4 đề án, với kinh phí 800.000.000 đồng; Khuyến công địa phương 21 đề án, với kinh phí 3.994.050.000 đồng (14 đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; 01 đề án bình chọn cho 50 sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh); đề xuất công nhận cho 37 sản phẩm của 20 đơn vị; 05 đề án tập huấn, tham gia Hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến các chính sách khuyến công và đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn của các cơ sở đi quảng bá, giới thiệu tại Hội chợ triển lãm tại các tỉnh; 01 đề án hỗ trợ kinh phí công nhận cho 34 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh…
Năm 2016 cũng là năm thứ 3 liên tiếp các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương tỉnh Thái Nguyên tăng ở mức cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng KT-XH chung của tỉnh. Tạo được lòng tin của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, trong đó, đã cùng với Samsung thu hút được hàng chục dự án công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao vào tỉnh và bước đầu hoàn thiện đi vào sản xuất. Nhiều dự án công trình quan trọng của ngành được đầu tư từ những năm trước đã đi vào hoạt động và có những đóng góp lớn vào phát triển chung của ngành như: Nhiệt điện An Khánh I; Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo; Khai thác, tuyển rửa quặng sắt mỏ Tiến Bộ; Nhà máy tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck; Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử Samsung…
Bằng sự chỉ đạo sâu sát, điều hành sáng tạo của tập thể lãnh đạo Sở và sự nhiệt huyết của cán bộ công chức, viên chức, ngành Công Thương Thái Nguyên đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực, khắc phục kịp thời những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất kinh doanh của cộng đồng các doanh nghiệp, luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, nên đã tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KT-XH của tỉnh - Yếu tố cốt lõi làm nên những thành công của ngành Công Thương. Trong thời gian tới, với cách làm khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, chắc chắn ngành Công Thương Thái Nguyên sẽ gặt hái được nhiều thành công mới, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế./.
Xuân Trường