Nhiều dự án lớn
Nhận định về dự án (DA) 1,5 tỷ USD mà Tập đoàn LG Display vừa khởi công tại khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ (Hải Phòng) ngày 6/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho rằng, công nghiệp thành phố Hải Phòng đang phát triển hợp xu thế theo hướng công nghệ hiện đại. Nhìn vào các siêu DA được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Hải Phòng trong một vài năm trở lại đây sẽ thấy, ngành Công Thương thành phố Hải Phòng đang phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, thành phố đang ưu tiên lựa chọn các DA đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Cụ thể: DA nhà máy Module của chủ đầu tư LG Display Company Limited (Hàn Quốc) được UBND thành phố Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 15/4/2016 có tổng vốn đầu tư dự kiến 1,5 tỷ USD trên tổng diện tích 40,2ha tại KCN Tràng Duệ, huyện An Dương. Mục tiêu của DA là sản xuất màn hình, bộ hiển thị sử dụng công nghệ OLED (đi ốt phát quang hữu cơ) sử dụng cho TV, điện thoại thông minh, xe ôtô… Dự kiến, thời gian nhà máy hoạt động chính thức vào quý III/2017 sẽ thu hút khoảng 6.000 công nhân; doanh thu dự kiến đạt công suất thiết kế khoảng 4 tỷ USD/năm. Trước đó, cũng tại KCN Tràng Duệ, Tập đoàn LG đã khởi công và đưa vào hoạt động chính thức tổ hợp công nghệ cao với tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một số DA triệu USD được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các KCN, khu kinh tế (KKT) của Hải Phòng như: DA của Tập đoàn Rent-A-Port (Bỉ) tại KCN Nam Đình Vũ II (Deep C II) khởi công tháng 12/2015 với tổng vốn trên 250 triệu USD. Dự kiến, trong năm 2017, sẽ bàn giao 40ha đất KCN đầu tiên đã được xây dựng hạ tầng hoàn thiện cho nhà đầu tư thứ cấp; DA sản xuất các sản phẩm may mặc với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD của nhà đầu tư Herberton Private Limited (Singapore) vào KCN VSIP Hải Phong, mục tiêu là sản xuất trang phục để xuất khẩu với quy mô 22 triệu sản phẩm các loại/năm. Tiếp đến là 2 DA nhà máy sản xuất linh phụ kiện cho điện thoại di động và linh phụ kiện cho xe ôtô với tổng vốn đầu tư 64 triệu USD của 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là Woosung Molding & Plastics Co., Ltd và Hallacast Co., Ltd. DA “Trung tâm sản xuất điện tử Chilisin tại Việt Nam” giai đoạn I tại VSIP Hải Phòng của nhà đầu tư Chilisin Holding Limited (Hong Kong) với tổng vốn đầu tư 22,6 triệu USD nhằm sản xuất cuộn cảm khuôn và cuộn cảm dây cuốn chuyển tiếp, với quy mô 1,38 triệu sản phẩm các loại/năm. DA Nhà máy sản xuất bao bì carton của nhà đầu tư trong nước - Công ty cổ phần Bao bì Hoàng Hải Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng (khoảng 45 triệu USD)…
Khẳng định sức hút đầu tư
Ông Phạm Văn Phương - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng - cho biết: Các DA tạo ra giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm. DA triển khai mới trong năm 2016, kết hợp với các dự án đã hoạt động trong năm 2015, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong các năm tiếp theo. Đến hiện tại, gần 500 DA còn hiệu lực với gần 13 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng trong những năm qua là những con số khá ấn tượng, khẳng định sức hút đầu tư của thành phố Hải Phòng.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Hải Phòng, tiếp tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư như: Nhà đầu tư Dongbu Singapore Pte. Ltd. (Singapore) điều chỉnh tăng vốn thực hiện dự án “Nhà máy luyện gang Đình Vũ” tại KCN Đình Vũ từ 35 triệu USD lên gần 46 triệu USD cũng là dấu hiệu tích cực. Dự án dự kiến cho ra đời 242.000 tấn gang thành phẩm và các sản phẩm khí công nghiệp như 17,52 triệu m3 khí oxy; 17,52 triệu m3 khí nitơ; 262,8 nghìn m3 khí argon. Hay, DA “Sản xuất tất cao cấp” của nhà đầu tư Apex Wealth International Limited (Hong Kong) tại VSIP Hải Phòng cũng điều chỉnh tăng từ 14 triệu USD lên 48 triệu USD với mục tiêu mỗi năm sản xuất ổn định 120 triệu đôi tất, 20 triệu tấn sợi co giãn, sợi chun và sợi cotton. Công ty TNHH Daesun Vina (100% vốn Hàn Quốc) thực hiện DA “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chiết nạp lon gas mini” tại KCN Đình Vũ (4/12/2015). Dự án có tổng vốn đầu tư là 5,5 triệu USD, được thực hiện trên diện tích rộng 6.400 m2.
Theo ông Phạm Văn Phương, thành phố Hải Phòng đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, môi trường đầu tư hấp dẫn nên trong những năm gần đây nguồn vốn đầu tư vào các KCN, KKT liên tục tăng mạnh. Riêng năm 2015, các KCN, KKT thu hút được 869 triệu USD vốn FDI, chiếm trên 87% trong tổng vốn FDI của thành phố; thu hút DDI đạt 10.495 tỷ đồng (bằng 131,2% kế hoạch năm 2015). Năm 2015, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN, KKT đạt kết quả tích cực. Doanh thu khối doanh nghiệp FDI tăng 60%; khối DDI tăng 9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 38%; nộp ngân sách 3.205 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2014, trong đó thu hải quan đối với hàng hóa vào KCN là 1.985 tỷ đồng, thu nội địa từ các KCN là 1.220 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 53.000 người lao động Việt Nam (tăng 17% so với cùng kỳ) và 700 người lao động nước ngoài (tăng 45,2% so với cùng kỳ).
Trong năm 2016 tới, Ban Quản lý KKT Hải Phòng xây dựng kế hoạch và hy vọng thu hút vốn FDI đạt 1,8 tỷ USD và thu hút vốn DDI 10.000 tỷ đồng; giải quyết, tạo việc làm cho lao động Việt Nam khoảng 73.000 người; lao động nước ngoài khoảng 800 người. Các chỉ tiêu doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách tăng từ 20 – 30% so với năm 2015. Điều này sẽ không khó khi nhiều DA triệu USD đến tỷ USD đã được chính thức khởi công tại các KCN, KKT của thành phố.
Sự lớn mạnh của ngành Công Thương Hải Phòng, trong đó phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, đang mở ra một thời kỳ phát triển công nghiệp mới ở thành phố Cảng - một sự kỳ vọng phát triển bền vững.
|
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử