Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội nghị đánh giá công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với an sinh xã hội được tổ chức mới đây, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: Năm 1997, tỉnh chỉ có duy nhất khu công nghiệp (KCN) Kim Hoa với quy mô 50ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, danh mục KCN đã được Thủ tướng phê duyệt ưu tiên phát triển của tỉnh đã lên tới con số 19 với tổng diện tích 5,5 nghìn ha. Trong đó, 11 KCN đã được thành lập có diện tích 2.300ha. Hệ thống kết cấu hạ tầng KCN ngày càng hoàn thiện, thu hút được 231 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký trên 3 tỷ USD và 653 dự án của nhà đầu tư trong nước (DDI), tổng vốn đăng ký trên 56,8 nghìn tỷ đồng; trong đó 55% dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư tại tỉnh là của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Toyota, Honda, Piaggio, Deawoo bus, Prime, thép Việt Đức,...
“Nhiều dự án với những sản phẩm chủ lực như ôtô tăng gần 30 lần, xe máy tăng 957 lần so với năm 1997. Ngoài ra, nhiều sản phẩm công nghiệp mới được sản xuất như gạch ốp lát, linh kiện điện tử, phụ tùng xe máy, điện gia dụng, cũng đang phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm và đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương” - ông Lê Duy Thành nhấn mạnh.
Nhờ tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp trong những năm qua, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1997-2016 luôn đạt 15,37%/năm. Tăng trưởng ngành công nghiệp mạnh cũng giúp quy mô kinh tế của tỉnh tăng gấp gần 40 lần, từ 1,96 nghìn tỷ đồng vào năm 1997 lên tới 77,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,18 triệu đồng/người vào năm 1997 lên tới 72,3 triệu đồng/người vào năm 2016.
Chú trọng vào phát triển công nghiệp đã giúp tỉnh từ một địa phương phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách Trung ương, với mức thu ngân sách năm 1997 chỉ đạt 114 tỷ đồng đã đạt tới 32,58 nghìn tỷ đồng năm 2016 tăng gấp 285 lần so với năm 1997. Trong đó, thu nội địa năm 2016 đạt 29,1 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 sau Hà Nội.
Ông Lê Duy Thành khẳng định, sản xuất công nghiệp chính là nền tảng của kinh tế Vĩnh Phúc trong giai đoạn 1997- 2016. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh vẫn xác định công nghiệp tiếp tục là động lực phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung vào sản xuất các sản phẩm chủ lực như ôtô, xe máy, dệt may, giày da,... đồng thời phát triển nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành chủ lực và sản xuất. Hình thành trung tâm kết nối phát triển công nghiệp hỗ trợ. Từng bước phát triển các sản phẩm công nghệ cao như đồ điện gia dụng và lắp ráp các thiết bị tin học, sản xuất phần mềm. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề.
Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Công nghiệp - xây dựng vẫn chiếm 61,5% cơ cấu của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020. |
Nguồn Báo Công Thương