Bên cạnh đó, ngành sản xuất rượu, bia còn chịu tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó, hạn chế việc quảng bá sản phẩm, tăng nặng hình phạt sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông…; tình trạng biến đổi khi hậu diễn biến phức tạp tác động đến sản xuất nói chung làm cho người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, trong đó có mặt hàng bia, rượu; giá nguyên vật liệu trong sản xuất bia không giảm... Trước thực trạng trên, Hội đồng Quản trị (HĐQT) đã tổ chức 4 phiên họp theo định kỳ, trong đó có 01 phiên trực tuyến, 05 phiên họp bằng hình thức lấy ý kiến các Thành viên HĐQT bằng văn bản, ban hành 09 Nghị quyết và 24 Quyết định để chỉ đạo hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, trong đó có các giải pháp triển khai cụ thể. Trước hết, tiết giảm các chi phí thường xuyên; tiết giảm định mức kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là các nguyên vật liệu chính; giảm các định mức tiêu hao năng lượng như: CO2, khí nén, điện, nước; giảm chi phí tài chính, đồng thời, tăng doanh thu từ tài chính; khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tự doanh. Với định hướng trên, HĐQT giao cho Ban điều hành chỉ đạo cụ thể trong sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Với 5 giải pháp được điều hành cụ thể, kết quả sản xuất - kinh doanh của Công ty không những tháo gỡ cơ bản được những tác động tiêu cực mà còn giữ vững sự ổn định, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu mà Đại hội cổ đông đề ra. Kết quả: Tổng sản lượng tiêu thụ đặt 176,72 triệu lít bia các loại, trong đó, bia tự doanh đạt mức khá ấn tượng, bù đắp cho sản phẩm Bia Sài Gòn thiếu hụt. Tổng doanh thu 1.166,02 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 189,81 tỷ đồng. Nộp ngân sách 1063,4 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên 1 cổ phiếu là 6.014 đồng. Mức chia cổ tức 35%, lợi nhuận còn lại chưa phân phối: 108,3 tỷ đồng.
Năm 2022, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp khi một số biến thể mới xuất hiện. An ninh thế giới diễn biến khó lường đã đẩy giá nguyên nhiên vật liệu cho sản phẩm bia tăng mạnh. Theo tính toán thời điểm hiện tại, giá bao bì (nguyên liệu làm vỏ lon bia) tăng 480 đ/lít bia, nguyên liệu Mal tăng 150đ/lít bia; Nghị định 100/2019/NĐ-CP tiêp tục tác động đến tiêu thụ bia, rượu; diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp… đây là những thách thức lớn cho quá trình sản suất – kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, cũng có một số thuận lợi như: Kinh tế nước ta được dự báo sẽ được phục hồi, Công ty đã rút ra được bài học trong thách thức, Bia Sài Gòn chất lượng ổn định và vẫn là thương hiệu mạnh.
Để phấn đấu thực hiện hoàn thành một số chỉ tiêu chính: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ 196 triệu lít bia các loại; tổng doanh thu 1.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 138 tỷ đồng; nộp ngân sách 1.200 tỷ đồng, cần thực hiện các giải pháp sau:
Về công tác quản trị sản xuất - kinh doanh: Điều chỉnh linh hoạt chiến lược kinh doanh, trong đó hướng tới xuất khẩu sản phẩm bia phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục rà soát tiết giảm chi phí trong tất cả các khâu, có các giải pháp để ứng phó kịp thời với các khó khăn như giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến. Chủ động phối hợp với đơn vị thương mại trong khu vực đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn.
Về công tác đầu tư: Ưu tiên đầu tư trang thiết bị các dự án có tính cấp bách nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tính toán tiếp tục tiết giảm năng lượng điện, nước, chi phí bảo trì. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành, trong điều kiện cho phép có thể mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Chú trọng công tác quản trị rủi ro về mặt pháp lý, kiểm soát tốt nội bộ, chú trọng đến công tác môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn trong lao động. Thực hiện đúng chính sách đối với người lao động theo pháp luật.
Với những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ những thách thức của năm 2021 và với sự quan tâm của địa phương, sự giúp đỡ tạo điều kiện nhiều mặt, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, tin rằng, SMB sẽ hoàn thành được các chỉ tiêu mà Đại hội cổ đông năm 2022 đề ra.
Nguyễn Văn Khánh