Tham gia thị trường điện cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng thuộc Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đã không ngừng gia tăng khi mà cổ tức chia cho các cổ đông luôn giữ ở mức cao.
Kết quả đáng ghi nhận
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng quản lý và vận hành tham gia thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1 của thị trường điện cạnh tranh) ngay từ những ngày đầu tiên của thị trường (ngày 1/7/2012).
Theo đó, năm 2005, Tổ máy số 1 và 2 của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng được xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2011. Đến năm 2014, tổ máy số 3 và 4 tiếp tục được hoàn thành và cùng hòa vào lưới điện quốc gia. Với công suất 300MW/tổ máy. Trung bình mỗi năm, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 7,2 tỷ kWh điện.
Ông Dương Sơn Bá- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng - cho biết: Sau 10 năm chính thức phát điện thương mại, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đã cung cấp lên lưới điện quốc gia gần 62 tỷ kWh. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2012-2021, sản lượng điện phát lên lưới của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng đạt 57,7 tỷ kWh. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào an ninh năng lượng và ổn định hệ thống điện quốc gia; kịp thời đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Đặc biệt, dự án đã đem lại sự đổi thay cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhất là người dân nơi nhà máy xây dựng.
Hiệu quả về kinh tế- xã hội được minh chứng thông qua tổng doanh thu từ khi nhà máy tham gia thị trường điện đến hết năm 2021 đạt 81.600 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 8.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt năm 2019, là năm ghi dấu ấn công ty đạt mức doanh thu cao nhất là 11.000 tỷ đồng.
Cùng với doanh thu tăng, lợi nhuận sau thuế từ năm 2012 đến năm 2021 của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng cũng đạt 5.250 tỷ đồng, bình quân 525 tỷ đồng/năm, trong đó riêng năm 2019 - 2020 lợi nhuận của công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, cổ tức trả cho các cổ đông của công ty đã tăng từ 5,5%/vốn điều lệ năm 2013 lên đến 16 %/vốn điều lệ năm 2019 và 24,25% năm 2020.
Chủ động triển khai các giải pháp
Cũng theo ông Dương Sơn Bá, để có được kết quả trên, công ty đã chủ động áp dụng các giải pháp về công nghệ, con người, kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Công ty đã cùng với các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện, nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nhà máy để đáp ứng đủ các yêu cầu của hệ thống công nghệ thông tin vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, như: Hệ thống mạng WAN, phần mềm chào giá, quản lý lệnh điều độ DIM, hỗ trợ thanh toán, đo đếm điện năng, chứng thư số,… để phục vụ công tác theo dõi, vận hành và thanh toán thị trường điện.
Phòng điều khiển trung tâm của nhà máy
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức, chuyên môn về thị trường điện cho cán bộ, công nhân viên của nhà máy. Công ty đã tổ chức các khóa đào tạo về công tác thị trường điện và cử cán bộ tham gia các buổi hội thảo, khóa đào tạo được EVN, EVNGENCO2 tổ chức.
Để phát huy hiệu suất tối ưu của nhà máy, công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình và quy định vận hành nhằm đảm bảo hệ số sẵn sàng tổ máy, luôn đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống điện.
Trong các buổi họp giao ban sản xuất, giao ban tuần, giao ban tháng và các buổi họp của Đảng ủy, Công đoàn, công tác tham gia thị trường điện của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng luôn là một nội dung quan trọng. Từ đó, nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, người lao động trong công ty về thị trường phát điện cạnh tranh và những thuận lợi, khó khăn khi Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh.
Đánh giá về tính minh bạch của thị trường phát điện cạnh tranh, ông Dương Sơn Bá khẳng định, việc vận hành thị trường điện đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường điện trong công tác vận hành. Công ty thường xuyên được sự quan tâm và chỉ đạo của EVN, EVNGENCO2 về công tác quản trị, điều hành sản xuất. Nhà máy đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện, là nút điện áp truyền tải khu vực Đông Bắc của hệ thống điện quốc gia. Các tổ máy từ khi tham gia thị trường điện đến nay vận hành tương đối ổn định, tin cậy.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi công ty cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, trong đó phải kể những tác động và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 - 2021 đã làm các doanh nghiệp trong cả nước trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng phải căng mình chống dịch, chi phí quản lý và sản xuất cũng bị tăng lên. Đại dịch Covid-19 chưa qua đi thì những tháng đầu năm 2022 chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện có xu hướng tăng cao, nguy cơ nguồn cung thiếu, điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để đảm bảo công tác sản xuất cung ứng điện ổn định trong năm 2022, bên cạnh các giải pháp nhằm hoàn thành chương trình chuyển đổi số giai đoạn 1, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án sản xuất, kinh doanh nhằm đạt mục tiêu trong năm 2022. Đó là sản lượng điện sản xuất đạt 7.534 triệu kWh, riêng sản lượng điện sản xuất mùa khô là 4.130 triệu kWh; doanh thu sản xuất điện đạt 9.482,4 tỷ đồng, chi phí sản xuất điện là 8.921,3 tỷ đồng, lợi nhuận đã bao gồm chênh lệch tỷ giá đạt 561,1 tỷ đồng.
Theo báo Công Thương