Thứ Sáu, 22/11/2024 04:49:04 GMT+7
Lượt xem: 1263

Tin đăng lúc 02-12-2022

Công ty CP Cảng Quy Nhơn: Năng động, vượt khó, bằng nhiều giải pháp sáng tạo - kịp về đích năm 2022

Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển, với lợi thế khu vực có điều kiện tự nhiên tốt, có vị trí địa lý thuận lợi, cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, nhất là trong giai đoạn hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, năm 2022, trong cái khó chung của cả nước thời kỳ hậu Covid-19, Công ty CP Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn) tiếp tục vượt khó bằng những giải pháp sáng tạo, mở rộng kinh doanh hiệu quả, nối tiếp truyền thống tốt đẹp của mình.
Công ty CP Cảng Quy Nhơn: Năng động, vượt khó, bằng nhiều giải pháp sáng tạo - kịp về đích năm 2022
Cảng Quy Nhơn được nâng cấp mở rộng

Sức bật từ một nền tảng vững chắc

 

Với vị trí địa lý thuận lợi, luồng tàu có thể tiếp nhận được các loại tàu đến 30.000 tấn cập cảng và tàu 50.000 tấn giảm tải, Cảng Quy Nhơn đang giữ vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông…, nằm sát với tuyến đường hàng hải quốc tế nên rất thuận tiện cho tàu biển nước ngoài ra vào, là vị trí trung tâm của các nước trong vùng Đông Nam Á và Đông Á, có trên 10 tuyến đường biển nối với các cảng quốc tế như: Manila (Philipin), Singapore, Hong Kong, Cao Hùng (Đài Loan), Băng Cốc (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Vladivostok (Nga)...

 

Việc đầu tư nâng cấp bến số 1 đã đưa công suất xếp dỡ, thông qua hàng hóa của Cảng Quy Nhơn từ 8.000.000 tấn/năm lên đến 15.000.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn cho Cảng Quy Nhơn.

 

Tuy nhiên, Cảng Quy Nhơn đã phải đối mặt với những khó khăn chung và khó khăn đặc thù của ngành cảng biển trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Từ đầu tháng 5/2022, bến số 1 phải tạm dừng để thi công cải tạo nâng cấp, do đó toàn bộ 350m cầu (Bến 1A, 1B và 1C) phải tạm dừng khai thác. Một số khách hàng thuộc nhóm hàng nông sản, thức ăn gia súc, phân bón, xi măng rời, đá granite… đã chuyển sang các cảng lân cận. Do đó, 9 tháng đầu năm 2022, số tàu cập cảng giảm 324 lượt so với cùng kỳ năm 2021.

 

Năm 2022, thế giới chìm sâu vào lạm phát, giá nguyên liệu, nhiên vật liệu lại tăng cao, tiền thuê đất chu kỳ 2022 - 2025 tăng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

 

Truyền thống vượt khó của Cảng Quy Nhơn lại có dịp thách thức. Bằng những giải pháp năng động, Cảng Quy Nhơn đã đẩy mạnh thu hút các nhóm hàng container từ khu vực Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Theo đó, Công ty tìm cách thu hút thêm ít nhất 1 tuyến tàu kết nối giữa Cảng Quy Nhơn với khu vực Đông Bắc Á, giúp đa dạng hóa và nâng cao nguồn hàng container.

 

Đến quý III/2022, hãng tàu CMA CGM đã chính thức triển khai tuyến dịch vụ container China South East Asia (CSE) kết nối trực tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Cảng Quy Nhơn đến các cảng của Trung Quốc (Dalian, Ningbo, Shanghai); Hàn Quốc (Busan, Incheon); Thái Lan (Bangkok, Laem Chabang); Philippines (Manila). Bên cạnh đó, hàng hóa trên tuyến CSE còn được tiếp cận với thị trường khác trong khu vực châu Á và toàn cầu thông qua mạng lưới vận chuyển rộng lớn của Hãng tàu CMA CGM.

 

Tháng 11/2022, Công ty CP Cảng Quy Nhơn phối hợp với hãng tàu, các đơn vị Forwarder tổ chức hội nghị nhóm khách hàng may mặc, đề xuất giải pháp logistics cho nguồn hàng nguyên liệu may mặc nhập khẩu từ Shanghai (Trung Quốc) và sản phẩm may mặc xuất khẩu nguyên container đi thị trường Mỹ (thông qua Hãng tàu Maersk Line), châu Âu (thông qua Hãng tàu CMA CGM).

 

Đặc biệt, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã thu hút thành công Tập đoàn PACORINI mua gom và tập kết hàng cà phê từ khu vực Tây Nguyên về Cảng Quy Nhơn để xuất khẩu, từng bước hình thành chợ cà phê tại Cảng Quy Nhơn. Đây là ngành hàng hoàn toàn mới và hứa hẹn sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành hàng khác.

 

Mặt khác, Công ty CP Cảng Quy Nhơn mở rộng kinh doanh nhiều dịch vụ: Cảng và bến cảng; lai dắt, hỗ trợ tàu biển; kho/bãi, kho ngoại quan; bốc xếp, giao nhận hàng hóa; đại lý, môi giới tàu biển, vận tải thủy bộ; đại lý kinh doanh xăng dầu; dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm cho tàu biển; các dịch vụ hàng hải khác, nhằm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2022.

 

 

Cảng Quy Nhơn tham gia các công tác xã hội, từ thiện với địa phương

 

Nỗ lực trong kinh doanh nhưng Cảng Quy Nhơn vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tù thiện. Từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng cho các chương trình an sinh, xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần đồng hành cùng tỉnh Bình Định đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

 

Tăng tốc về đích sớm năm 2022 và hướng đến tầm nhìn mới

 

Cùng với các giải pháp năng động sáng tạo trong kinh doanh, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã tạo đột phá về ứng dụng công nghệ, bằng việc đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử - Eport, đáp ứng được xu hướng chuyển đổi số của Công ty và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong mục tiêu trở thành cảng điện tử, hiện đại.

 

Trong tầm nhìn mới, hướng đến tương lai, ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho biết: Mục tiêu của Công ty là duy trì ổn định chất lượng dịch vụ, tăng cường chăm sóc khách hàng, thị trường truyền thống như: Tiếp tục nghiên cứu phương án tăng năng suất xếp dỡ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ấn tượng khác biệt và có lợi cho khách hàng. Đối với các nguồn hàng ở xa (bán kính trên 150 km), hoặc phương thức vận chuyển, mua bán phức tạp, Cảng sẽ nghiên cứu và xây dựng giải pháp logistics tối ưu nhất cho khách hàng như: Tập trung nguồn lực đối với các nhóm hàng lương thực, nhu yếu phẩm xuất nhập khẩu; theo dõi nhu cầu thị trường và chủ trương của Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ phù hợp, đảm bảo có lợi cho Cảng; tận dụng giá cước vận chuyển container đang có chiều hướng giảm sâu, nghiên cứu giải pháp chuyển đổi phương thức xuất khẩu bằng tàu chuyển sang hình thức container đối với mặt hàng viên gỗ nén xuất đi châu Âu, Nhật Bản. Tập trung thu hút, phát triển thị trường tại khu vực Tây Nguyên, biên giới Lào, Campuchia, nguồn hàng xuất nhập thông qua cửa khẩu Lệ Thanh, Bờ Y. Ngoài ra, Cảng đang xây dựng giải pháp logistics cho nguồn hàng quặng sắt (Lào) xuất thị trường Trung Quốc và hàng viên gỗ nén (Lào) xuất thị trường Nhật Bản, châu Âu.

 

Văn Thuận

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang