Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Nam Định có 2 ngành công nghiệp nằm trong danh mục có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, trong đó có ngành Dệt May. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp của tỉnh Nam Định đầu tư sản xuất thành công các sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ (sợi, vải, chỉ và tơ tằm), trong đó không thể không nhắc tới Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định.
Công ty Dệt lụa Nam Định tiền thân là Nhà máy Tơ Nam Định được thành lập năm 1900. Trải qua nhiều lần đổi tên, tháng 1/2008, thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của Nhà nước và cổ phần hóa công ty, Công ty đã chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định - thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Trải qua hơn 100 năm xây dựng, phát triển với nhiều giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử, nhưng thương hiệu dệt lụa Nam Định vẫn mãi trường tồn cho đến ngày hôm nay. Từ quy mô nhỏ, lạc hậu, ngày nay, Dệt lụa Nam Định đã lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng lẫn tiềm lực nội sinh. Các sản phẩm của Công ty cũng đã vượt qua khỏi biên giới quốc gia, vươn ra thị trường thế giới, đứng vững ở những thị trường có yêu cầu khắt khe. Dệt lụa Nam Định hiện có quy mô 05 nhà máy, với 01 nhà máy kéo sợi công suất 1.000 tấn/năm; 01 nhà máy kéo sợi và pha lông cừu với công suất 800 tấn/năm theo công nghệ với liên doanh nước ngoài; 01 nhà máy dệt; 01 nhà máy nhuộm có hệ thống xử lý nước thải riêng và 01 chi nhánh của Công ty tại Hà Nội.
Với lợi thế từ hệ thống chuỗi khép kín và thế mạnh sẵn có, ngoài việc phát triển thị trường ngách, Công ty còn tiếp tục nghiên cứu và đưa các sản phẩm vải mới như: CVC, CV, vải pha lông cừu, cotton… bên cạnh sản phẩm truyền thống là vải đồng phục chất lượng cao. Điều này không chỉ giúp hệ thống các nhà máy nâng thêm công suất, mà còn đưa Dệt lụa Nam Định vào chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa. Ông Đào Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định cho biết, Công ty có lợi thế là sản xuất theo chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn chỉnh; đã xây dựng được thị phần vững chắc, tiêu thụ ổn định các sản phẩm vải cao cấp tại thị trường Nhật Bản trong nhiều năm.
Tuy nhiên, với mục tiêu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành Dệt May, Công ty đã tập trung đầu tư, đổi mới, đưa các thiết bị hiện đại vào sản xuất theo hướng xanh hóa và sản xuất tuần hoàn. Đến nay, Công ty đã đầu tư khoảng 11 tỷ đồng điện áp mái với công suất 1 Mb. Đồng thời, hệ thống xử nước thải của Công ty cũng đã được hoàn thiện kể từ khi di dời Nhà máy nhuộm ra khu công nghiệp, thời gian tới đây Dệt lụa Nam Định sẽ đầu tư mới hệ thống nước thải theo công nghệ RO, tiếp tục tái sử dụng lại nguồn nước trong quá trình nhuộm, tiến tới tuần hoàn hệ thống xử lý nước trong khâu nhuộm hoàn tất.
Với mục tiêu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành Dệt May, Công ty Dệt lụa Nam Định đã tập trung đầu tư, đổi mới, đưa các thiết bị hiện đại vào sản xuất theo hướng xanh hóa và sản xuất tuần hoàn
Bên cạnh đầu tư mới hệ thống xử lý nước thải, Công ty còn nghiên cứu và đầu tư hệ thống tự động pha hóa chất thuốc nhuộm với công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Điều này không chỉ giúp tối ưu hoạt động sản xuất mà còn giảm lượng nước hóa chất sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu… Với tính toán của Công ty khi đưa hệ thống này vào sử dụng đã giảm trên 10% hóa chất nhuộm dư thừa so với quy trình hiện nay.
Ngoài ra, Công ty cũng đã đầu tư hệ thống lò hơi theo công nghệ mới nhằm tiết giảm điện năng. Năm 2022, kinh phí đầu tư chiều sâu của Công ty khoảng 40 tỉ đồng. Cùng với đó, Dệt lụa Nam Định cũng đã chủ động liên kết với một doanh nghiệp tại Nhật Bản sản xuất các loại vải cao cấp may áo vest theo kỹ thuật và công nghệ của đối tác với sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm.
Từ hướng đi riêng bằng cách xây dựng các sản phẩm đặc thù cho các thị trường “khó tính” bậc nhất là Nhật Bản; cộng với việc đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất giúp Công ty nâng cao công suất, gia tăng chất lượng sản phẩm, Công ty đã được Tổng Công ty Đức Giang - một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành Dệt May Việt Nam và là nhà sản xuất, cung cấp hàng may mặc uy tín cho nhiều khách hàng nổi tiếng trên thế giới và một số doanh nghiệp may nội địa đặt mua vải sản xuất đồng phục, veston. Nhờ đó, Dệt lụa Nam Định nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành Dệt May Việt Nam, đáp ứng các yêu về xuất xứ cho sản phẩm của doanh nghiệp may trong nước.
Do ảnh hưởng từ chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề, khiến các doanh nghiệp dệt may tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Dệt lụa Nam Định đã tìm tòi, nghiên cứu các mặt hàng vải mẫu, chào hàng, hợp tác với các doanh nghiệp dệt may, từ đó có thêm các khách hàng mới và tạo tiền đề cho quan hệ hợp tác lâu dài.
Thời gian tới, Dệt lụa Nam Định sẽ nâng công suất để đón đầu “làn sóng” dịch chuyển từ các quốc gia, phát huy lợi thế từ chuỗi cung ứng, nhằm đưa các sản phẩm phụ trợ ngành Dệt May Việt Nam tới gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.
Trường An