Bằng những số liệu hết sức ấn tượng về đầu tư xây dựng, kết quả doanh thu, nộp ngân sách, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho CBCNV, BAMCORP còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững của nhân dân các địa phương.
Để tận mắt chứng kiến và tìm hiểu những thành tựu mà Công ty CP khoáng sản Bắc Kạn đạt được, chúng tôi đã lên Bắc Kạn vào một ngày đầu tháng 3. Tuy thời tiết đã vào xuân, nhưng mưa và rét vẫn kéo dài. Biết các phóng viên muốn thăm khu vực sản xuất, ông Vũ Phi Hổ - Tổng giám đốc Công ty dù rất bận nhưng vẫn dành thời gian đưa chúng tôi vào mỏ Nà Bốp – một trong những mỏ mới được cấp phép hoạt động có công suất 30.000 tấn khai thác, chế biến quặng/năm.
Đường vào mỏ không dài, nhưng khó đi, vừa quanh co, vừa gập ghềnh khúc khuỷu. Được chứng kiến không khí nhộn nhịp vào ca của những người thợ mỏ, mới thấy quyết tâm của CBCNV trong Xí nghiệp Khai thác Mỏ Pù Sáp phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ tháng đầu, quý đầu. Giản dị giống như một công nhân vào ca với chiếc mũ bảo hộ lao động, đôi ủng và chiếc đèn pin, Tổng Giám đốc Vũ Phi Hổ trực tiếp đưa chúng tôi vào sâu bên trong hầm lò khai thác, nơi những người thợ đang miệt mài, hăng say làm việc, chìm trong tiếng xe goòng chở quặng ra vào mỏ liên tiếp, hối hả đưa những viên quặng từ trong lòng núi hàng trăm mét ra ngoài. Được tận mắt chứng kiến, tìm hiểu công việc của người thợ BAMCORP mới thấy, để có được một kilogam sản phẩm kim loại quý, những người thợ mỏ đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí phải đánh đổi cả sinh mạng của mình cho nền công nghiệp đất nước phát triển.
Hiện trường thi công
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngành khai thác khoáng sản và chế biến sâu được coi là đặc thù và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu vốn đầu tư, thiếu mỏ khai thác, công nghệ sản xuất thủ công, chưa được đầu tư tương xứng, người lao động yếu chuyên môn, bỏ việc nhiều, với một gánh nợ lên tới hơn 30 tỷ đồng... Với tầm nhìn chiến lược, sâu rộng và lòng quyết tâm vực dậy một doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể, nên khi được bầu là Tổng giám đốc Công ty, ông Vũ Phi Hổ đã cùng Ban lãnh đạo BAMCORP xác định, muốn phát triển ngành nghề mũi nhọn này, các doanh nghiệp sản xuất phải dành sự ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa công nghệ khai thác, chế biến. Chính vì vậy, ông đã chỉ đạo thực hiện xây dựng đề án có tính chiến lược: “Nghĩ mới - Làm mới”, nhằm định hình phong cách làm việc của tập thể người lao động trong Công ty theo hướng luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới suy nghĩ và hành động. Trong đó, Công ty đã mạnh dạn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện, đổi mới dây chuyền thiết bị, phương tiện khai thác công nghiệp, lắp đặt hệ thống đường ray, xe điện, xe vận tải bằng goong kéo toa, khép kín từ công đoạn khai thác, vận chuyển, đến khâu chế biến sâu và hiệu quả đem lại là hết sức to lớn. Sau 8 tháng kể từ khi hai mỏ Nà Pốp và Pù Sáp chính thức đi vào hoạt động trở lại (20/5/2014), thì BAMCORP đã thực sự hồi sinh. Công ty đã trả được nợ; chấm dứt thua lỗ; đạt lợi nhuận hơn 15 tỷ đồng; nộp ngân sách địa phương 11 tỷ đồng; giải quyết việc làm không chỉ cho 200 lao động hiện có, mà còn tạo việc làm mới cho gần 500 lao động khác, nâng mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu lên 5 triệu đồng/người/tháng, kèm theo đó là các chế độ, quyền lợi của CBCNV được bảo đảm như đóng bảo hiểm xã hội, chế độ ăn ca, BHLĐ... Tâm sự với phóng viên báo chí, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thủy và chị Đặng Thị Mai là cán bộ của Công ty cho biết, năm 2009, khi mới cưới, vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn. Công ty thiếu việc làm, thu nhập của người lao động thấp, vợ chồng anh chị thường xuyên phải vay mượn để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Những năm gần đây, được Công ty lo đủ việc làm, lại cho công nhân mượn phòng ở, mức thu nhập hàng tháng của hai người đạt trên dưới 10 triệu đồng, nên gia đình anh đã dành dụm trang trải được nợ nần và từng bước tích lũy. Nhờ đó mà tổ ấm của anh chị ngày càng keo sơn, gắn bó, biết thu xếp công việc gia đình, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan giao cho.
Nét nổi bật của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn chính là Ban lãnh đạo BAMCORP không tự bằng lòng với kết quả đã đạt được, mà liên tục mở rộng, phát triển sản xuất. Chỉ trong vài ba năm gần đây, Công ty đã thành lập mới các chi nhánh, xí nghiệp khai thác mỏ, từng bước ổn định mô hình sản xuất kinh doanh với 07 đơn vị trực thuộc; tiến hành khởi động nhiều dự án nhà máy luyện chì và khai thác nguyên liệu vàng, bạc, chì, kẽm; đồng thời, mở rộng lĩnh vực kinh doanh rượu, nước khoáng thiên nhiên..., nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng nộp ngân sách, thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động tại địa phương. Đặc biệt là khi sản xuất phát triển, Công ty đã tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng. Trong đó, đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn tổ chức chương trình từ thiện “Xuân yêu thương”, tặng 70 suất quà tết cho Trường Mầm non và Tiểu học xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn; tổ chức chương trình “Tết ấm vùng cao Thái Lạo”, tặng 35 suất quà, tổ chức ăn tết với học sinh Trường Mầm non, Tiểu học của xã Yên Cư, huyện Chợ Mới và 10 suất quà cho các hộ nghèo trong xã với tổng giá trị là 50 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn chủ động tặng 20 tấm đệm cho giáo viên, học sinh Trường Mầm non Cổ Linh (xã Cổ Linh, huyện Pắc Nặm), một trong những xã vùng cao nghèo của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, tổ chức Quỹ học bổng “Đưa em tới trường” do doanh nhân Vũ Phi Hổ khởi xướng và đồng sáng lập, qua đó trao 5 suất học bổng toàn phần đầu tiên trong vòng 1 năm cho các học sinh nghèo vượt khó của Trường THCS Trí Lễ (xã Trí Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An)..., được lãnh đạo tỉnh và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Chứng kiến những bước thăng trầm và sự hồi sinh mạnh mẽ của Công ty trong những năm gần đây, ông Lý Thái Hải – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho rằng, để BAMCORP có được như ngày hôm nay là cả một sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết vượt khó của tập thể CBCNV – LĐ, trong đó vai trò quyết định đem lại thành công chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự điều hành kiên quyết, sáng tạo của Ban lãnh đạo Công ty trong việc mạnh dạn tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình sản xuất, không chỉ đem lại sức sống mới cho một doanh nghiệp, mà còn là mô hình điểm, định hướng cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Kạn trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Với mục tiêu đáp ứng thỏa mãn nhu cầu sử dụng quặng cho phát triển công nghiệp và nền kinh tế, góp phần hạn chế nhập khẩu các sản phẩm chì, kẽm..., tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia, Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt tổng doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 100 – 200 tỷ đồng/năm, từng bước giải quyết việc làm cho 3.000 – 5.000 lao động tại địa phương. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, BAMCORP mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trong việc sớm quy hoạch vùng nguyên liệu, tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sớm cấp phép thăm dò, khai thác một số mỏ, để Công ty chủ động sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển lĩnh vực chế biến sâu tài nguyên khoáng sản, vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Tạm biệt Bắc Kạn, nơi có ngút ngàn màu xanh của rừng, của núi, mảnh đất của chiến khu Việt Bắc đang ẩn chứa nhiều tiềm năng chưa được khai thác; tạm biệt những người thợ mỏ BAMCORP đang cần mẫn ngày đêm, chắt chiu từng viên quặng, góp phần bồi đắp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Hy vọng, với định hướng chiến lược, “Nghĩ mới – Làm mới”, Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn sẽ là doanh nghiệp đi đầu, điểm nhấn công nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, để Bắc Kạn ngày càng đổi mới, tự tin bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Bích Hồng - Lê Thương