Từ “vạn sự khởi đầu nan”
Thời điểm những năm đầu bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng đã cố gắng giải quyết cơ bản vấn đề “đói điện”. Tuy nhiên, nhìn về phía trước nhu cầu năng lượng quốc gia vẫn còn là vấn đề bức xúc. Sự trăn trở này như một món nợ thôi thúc các nhà quản lý tìm tòi những nguồn điện mới và đó cũng là lý do cho sự xuất hiện các dự án thủy điện nhỏ ở miền Trung. Ngày 02/01/2003, Công ty Điện lực 3 và Công ty Xây lắp Điện 3 đã ký Hợp đồng liên doanh thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Điện Sông Ba, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng để đầu tư dự án TĐ Krông H’năng (64 MW) nằm trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên.
Dự án đang trong giai đoạn lập tiền khả thi với nhiều cái khó ập đến: Đầu tiên là…tiền đâu? Vốn tự có quá nhỏ, vốn vay trong nước chưa được Ngân hàng nào cam kết, vốn vay nước ngoài phải chờ Hiệp định của Chính phủ. Địa bàn dự án nằm trong vùng đồng bào dân tộc Ê đê đặc biệt khó khăn... “Bộ tổng tham mưu”dự án gồm 3 cán bộ trên căn nhà để xe của PC3 thời ấy để bắt đầu lần mò, tháo gỡ và khởi động.
Cái khôn đã bắt đầu ló ra là phải “lấy ngắn nuôi dài”, đưa dự án thủy điện Khe Diên công suất 9MW vào đầu tư trước tại tỉnh Quảng Nam như một giải pháp tình thế. Ngày 28/5/2007 nhà máy Thủy điện Khe Diên hoàn thành, đóng điện hòa vào lưới điện quốc gia. Sự kiện đó như mở cánh cửa về con đường tương lai của Công ty, biến khó khăn thành cơ hội để khởi động Dự án thủy điện Krông H’năng vào ngày19/5/2005 tại Xã Cư Prao, Huyện M’Drak, tỉnh Đăk Lăk.
Hồ thủy điện Khe Diên
Vấn đề “đầu tiên” vẫn là cái khó cho dự án tiếp theo này, Công ty đã vay được của Ngân hàng Phát triển 109,8 tỉ đồng năm 2006; Các Ngân hàng TM hợp vốn thuộc tỉnh Phú Yên, Đăk Lăk và Đà Nẵng là 533 tỷ đồng năm 2007, nhưng khi mới giải ngân được 34 tỷ đồng thì bế tắc!
Ngày 01/8/2007 Công ty chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần, vốn điều lệ tăng lên 500 tỷ đồng .Việc góp vốn điều lệ cho Công ty gặp trắc trở do ảnh hưởng của cơn bão tài chính và bất lợi lớn khi đến tháng 12/2008, VNECO xin rút không còn là Cổ đông sáng lập, SBA vô cùng nguy khó. May mắn thay, Công ty được Ngân hàng VDB cho vay vốn 683 tỷ đồng và 6,8 triệu USD để tiếp tục Dự án Krông H’năng.
Nhà máy thủy điện Krông H Năng
Vượt qua những khó khăn năm 2008, công trình thủy điện Krông H’năng tăng tốc thi công, vừa thi công vừa tích nước mùa lũ 2009 để đến 25/6/2010, hòa vào lưới điện quốc gia tổ máy đầu tiên, tháng 9/2010 hòa lưới tổ máy thứ 2. Ngày 01/6/2010 Công ty chính thức lên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã cổ phiếu SBA.
Khó khăn từ cơ chế, từ con người có thể tháo gỡ được, nhưng cái khó từ thiên tai thì khôn lường. Từ năm 2011 đến 2016, ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng El-Nino, hai nhà máy đều thiếu nước để phát điện, sản lượng điện hàng năm nhà máy Krông H’năng giảm dần, thiếu 30-50% so với thiết kế. Lúc này giá cổ phiếu của Ccông ty trên thị trường chứng khoán chỉ còn 3.700đ/CP
Đến tự tạo chiếc chìa khóa vạn năng bằng linh hoạt trong quản lý, đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật.
Nhờ được sự hỗ trợ của PC3 góp thêm 50 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu phần quyết toán công trình nên Công ty bớt áp lực. Mặt khác, SBA đã nghiên cứu cơ chế giá thị trường phát điện cạnh tranh cho nhà máy Krông H’năng và biểu giá chi phí tránh được cho nhà máy Khe Diên để vận hành linh hoạt 2 nhà máy nhằm mang lại hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, Công ty cũng vận dụng nhiều giải pháp tài chính linh hoạt, kịp thời tái cấu trúc nguồn vốn nên dòng tiền vẫn đảm bảo cho các hoạt động của Công ty, cho Cổ đông.
Về công tác nhân sự, Công ty đã quyết định nâng cấp Phòng Kỹ thuật thành Trung tâm Tư vấn và Kiểm định an toàn đập, quyết định thành lập mới Phòng Nghiên cứu & Phát triển. Nhờ vậy Công ty đã tính toán lại thủy văn chính xác, tìm ra giải pháp xả lũ hợp lý cho nhà máy Krông H’năng, xử lý được việc tự thi công nạo vét bùn đá tại cửa nhận nước, xử lý thấm tại tháp điều áp, rò bê tông pha 2, đo mưa trong lưu vực, đo mực nước hồ chính xác,... cho 2 nhà máy mà không phải thuê ngoài.
Hiện nay đội ngũ cán bộ kỹ thuật SBA ngày càng phát triển cả về lượng và chất, vươn lên đảm nhiệm dịch vụ cho các Nhà máy khác và cho xã hội, các lĩnh vực như: Tính toán kiểm tra An toàn đập, lũ lụt hạ du, các đề tài nghiên cứu vận hành xả lũ liên hồ Sông Ba và Sông Vu Gia - Thu Bồn,... Ngoài ra đội ngũ Kỹ sư Cơ điện của SBA nâng cao năng lực chuyên môn đảm nhiệm tư vấn Thiết kế các công trình điện, thủy điện, Giám sát, lắp đặt thiết bị, đào tạo nhân viên vận hành nhà máy thủy điện ... Giá trị các hợp đồng tư vấn ký của SBA với các đối tác tại địa bàn miền Trung và Tây Nguyên trong các năm 2014, 2015, 2016 lần lượt là 4,64 tỷ đồng, 2,56 tỷ đồng và 21,77 tỷ đồng cho thấy uy tín và thương hiệu SBA đã được khẳng định trên thị trường.
Tổ chức hội thảo về các giải pháp xả lũ hợp lý
Những sáng kiến, giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong vận hành và xây dựng thủy điện đã được thực hiện tại hai công trình thủy điện Khe Diên và Krông H’năng trở thành chiếc chìa khóa vạn năng: Giảm cầu công tác từ 15 tấn xuống còn 02 tấn; Nút cống dẫn dòng để tích nước vào mùa lũ nhằm không ảnh hưởng hạ du; Thay đổi kết cấu Đập đất đồng chất sang không đồng chất khi mỏ đất không còn đảm bảo chất lượng đất, để giảm đền bù đất, đảm bảo tiến độ; Thay đổi kết cấu cột thép nhà máy thay cho cột bê tông truyền thống và kết cấu vỏ hầm từ 02 lớp thép thành 01 lớp thép; Thay đổi kết cấu servomotor nhà máy; ........
Ông Phạm Phong - Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc SBA - trình bày báo cáo tổng kết năm 2017 và kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty
Các sáng kiến, đề xuất giải pháp tiêu biểu của SBA được đánh giá cao trong xã hội: Đó là sáng kiến đo mưa trên toàn lưu vực hồ Krông H’năng để dự báo vận hành xả lũ tại NM Krông H’năng; Giải pháp xả lũ hợp lý; Sáng chế thiết bị đo mực nước hồ cấp độ chính xác đến mm, chế tạo thiết bị đo mưa tự động gửi tin nhắn… Các đề tài nghiên cứu khoa học cho Công ty và cho cộng đồng do Công ty đề xuất đã được chính quyền địa phương chấp thuận triển khai thực hiện như: “Xả lũ tự động tại nhà máy Krông H’năng”; “Vận hành xả lũ liên hồ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn” tại tỉnh Quảng Nam; “Vận hành xả lũ liên hồ trên lưu vực sông Ba” tại tỉnh Phú Yên; Đề tài Chống xâm thực cho biển Liên Chiểu Đà Nẵng; Chống xâm nhập mặn ở Nhà máy nước Cầu Đỏ - Đà Nẵng đang được nghiên cứu và tiếp tục nối dài uy tín và tầm vóc năng lực của SBA hôm nay.
Niềm tin của cổ đông là động lực trên tầm nhìn mới
15 năm - nhìn lại chặng đường đầy gian khó và rất đỗi tự hào của SBA. Niềm tin như được nhân lên không chỉ trong Lãnh đạo và CBCNV mà là lan tỏa uy tín, sự khâm phục của cổ đông khắp mọi miền đất nước. Từ nhân sự ban đầu chỉ có 3 người đến nay đã có trên 100 người, thu nhập bình quân đạt 16 triệu/tháng/người, tổng sản lượng điện năng đạt trên 1,8 tỷ kWh và nhất là năm 2017, SBA đã vượt mức kế hoạch SXKD 43%.
Ông Phạm Phong – Tổng giám đốc SBA đón nhận Cờ thi đua của EVNCPC
Ghi nhận những thành tích, đóng góp của SBA vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Đà nẵng, UBND các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Lắk, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNCPC đã khen tặng tập thể CBNV SBA Bằng khen Thủ tướng, Cờ thi đua, Huân chương Lao động hạng Nhì; Bằng khen, Giấy khen cho các đơn vị, cá nhân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương chia sẻ: Phát huy những thành tựu 15 năm ấy, SBA cần tiếp tục hoàn thiện các đề tài nghiên cứu về công nghệ vận hành xả lũ để triển khai áp dụng cho các nhà máy thủy điện. CBNV SBA tiếp tục lao động sáng tạo hơn nữa để xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước khen tặng.
Chắc chắn là như thế, con đường 15 năm SBA đã mở bằng sự vượt khó ngoạn mục, sự sáng tạo không ngừng nghỉ sẽ tạo ra động lực mới đi đến tương lai tươi sáng, xứng đáng với niềm tin của cổ đông.
Văn Thuận