Thứ Sáu, 22/11/2024 00:50:19 GMT+7
Lượt xem: 1680

Tin đăng lúc 23-05-2021

Công ty Điện lực Ninh Thuận: Thể hiện vai trò tiên phong, tạo xung lực kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng đất Tháp Chàm

Về Ninh Thuận hôm nay, cảm giác về một vùng đất duyên hải Nam –Trung bộ nắng nung cát bỏng đã trôi vào dĩ vãng. Bên cạnh những những Tháp Chàm huyền thoại là những vườn nho mọng chín, trĩu quả, những ruộng muối công nghiệp trắng xóa bội thu, những nhà kính thủy canh với đủ loại rau, trái sum suê vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Công ty Điện lực Ninh Thuận:  Thể hiện vai trò tiên phong, tạo xung lực kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng đất Tháp Chàm

Trong quá trình bứt phá vươn lên, Ninh Thuận hôm nay đã trở thành một trong những trung tâm năng lượng quốc gia với những dự án điện tái tạo quy mô lớn, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “bà đỡ” cho ngành Công Thương tỉnh nhà sánh vai cùng cả nước. Góp phần vào thành công ấy phải kể đến vai trò của Công ty Điện lực Ninh Thuận.

        

Từ nỗ lực vượt khó

        

Công ty Điện lực Ninh Thuận được thành lập từ tháng 4/1992, là đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC). Trong những ngày đầu thành lập, Công ty Điện lực Ninh Thuận gặp không ít khó khăn,  với một hệ thống lưới điện cũ chắp vá, cơ sở vật chất thiếu thốn lạc hậu, đội ngũ CBNV của Công ty Điện lực Ninh Thuận vừa thiếu lại vừa yếu, sự cố lưới điện xảy ra liên tục, điện áp không đảm bảo, tổn thất điện năng cao.

     

Song, với quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo của EVNSPC, lãnh đạo PC Ninh Thuận với sự năng động, sáng tạo trong công tác điều hành, từng bước khai thác hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành điện, các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để xây dựng và phát triển.

      

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có một cơ sở hạ tầng điện tương đối bề thế với 1.432,3 km đường dây trung áp; 1.168,6 km đường dây hạ áp; 256,59 km đường dây 110kV; 3.252 trạm biến áp phân phối, với tổng dung lượng là 809.183 kVA và 25 trạm biến áp 110kV, với tổng dung lượng 1334MVA. Số xã, phường có điện trong toàn tỉnh là 65/65 đạt tỷ lệ 100%, số thôn, khu phố có điện là 403/403 đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ số hộ dân có điện: 182..084 đạt 100% kể cả các hộ dân nông thôn, miền núi. Có thể nói, PC Ninh Thuận trở thành một trong những đơn vị thuộc EVNSPC có 4 tiêu chí sử dụng điện đạt 100%. 

 

 

Lãnh đạo PC Ninh Thuận khen thưởng 6 tập thể lập thành tích xuất sắc năm 2020

 

Năm 2020, với việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu KTKT và kinh doanh bán điện, PC Ninh Thuận đã vươn lên dẫn đầu thi đua các Công ty Điện lực trực thuộc EVNSPC.

   

4 tháng đầu năm 2021, trong điều kiện cùng cả nước phòng chống dịch Covid -19,  sản lượng điện thương phẩm của PC Ninh Thuận vẫn đạt 219,6 triệu kWh, trong đó phục vụ cho ngành Công nghiệp – xây dựng 56,5 triệu kWh. 

 

Tỉnh Ninh Thuận đã bứt phá vươn lên thu hút 59 dự án điện tái tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư 101.022 tỷ đồng; Đến cuối năm 2020, nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, với 41 dự án tổng quy mô công suất 2.731 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Trong đó có 32 dự án điện mặt trời được vận hành, tổng công suất 2.223 MW; 03 dự án điện gió với tổng công suất 229 MW, 06 dự án thủy điện tổng công suất 279 MW, tổng sản lượng điện phát khoảng 4.000 triệu kWh, tăng hơn 8,9 lần so với năm 2010, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

       

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đang triển khai dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 với công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn năm 2025-2026.

 

 

Ninh Thuận đã phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh

 

Đến những quả ngọt đầu mùa

         

Đầu tư cho công nghiệp điện, nhưng hiệu quả không chỉ là kinh doanh điện năng. Bởi sản phẩm điện là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Nền kinh tế Ninh Thuận đã thật sự khởi sắc và thay đổi mạnh mẽ. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội  qua từng giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 14,2% là tiền đề để Ninh Thuận hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Tính từ năm 1992, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 585,7 tỷ đồng, qua gần 30 năm, GDP đã tăng lên 19.557 tỷ đồng, tăng hơn 33,4 lần với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1993 - 2020 đạt 13,4%/năm. Trong đó giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 14,7%/năm, trong đó năm 2020 giá trị sản xuất đạt 8.969 tỷ đồng, tăng hơn 62 lần so với năm 1992.

 

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển công nghiệp ngày càng được chú trọng phát triển: Năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cụm công nghiệp Tháp Chàm, với quy mô 50 ha, đến nay đã hình thành và quy hoạch 4 Khu công nghiệp và 4 Cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.830 ha, trong đó có 2 KCN và 1 CCN đã đi vào hoạt động; đã thu hút được 39 dự án đầu tư vào SXKD; các doanh nghiệp trong các KCN, CCN tạo việc làm ổn định trên 3.500 lao động.

 

 

Nhờ cung ứng đủ điện, Tỉnh Ninh Thuận thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp

 

 

Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận chế biến thủy sản xuất khẩu

 

Song song với phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích và hỗ trợ phát triển; xây dựng nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, dệt chiếu cói An Thạnh..., đồng thời duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của tỉnh nước mắm, rượu nho, thủy sản...

       

 Ngành điện Ninh Thuận trong tầm nhìn mới

        

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020, tỉnh Ninh Thuận đạt 63,44 điểm, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2019. Điều đó mở ra cho Công Thương Ninh Thuận tầm nhìn mới hướng về các hiệp định EVFTA, TPTPP, RCEP... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ninh Thuận lần thứ XIV đề ra các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt 10 - 11%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.400 - 6.500 tỷ đồng; Giá trị sản xuất công nghiệp giai đọan 2021 - 2025 tăng 17 - 18%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 15 - 16%...

 

Ngành điện Ninh Thuận tự hào đã, đang và sẽ đảm nhận vai trò động lực cho Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên quê hương Tháp Chàm đầy nắng và gió.

 

Văn Thuận

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang