Nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh, từ năm 1999, Công ty Điện lực Thái Bình đã triển khai đồng bộ việc tiếp nhận và đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện trung áp nông thôn. Tuy nhiên, sau hàng chục năm vận hành, lưới điện đã có biểu hiện xuống cấp, trong khi đời sống tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, kéo theo nhu cầu dùng điện ngày càng lớn. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua là thời điểm người dân thành phố và khu vực nông thôn sử dụng nhiều thiết bị điện tiêu tốn điện năng, dẫn tới sản lượng điện tăng cao bất thường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuynh – Giám đốc PC Thái Bình cho biết: “Cao điểm như ngày 10/6/2019, nhiệt độ ngoài trời tại Thái Bình ở mức 38-39 độ C, nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng gấp 1,5 lần ngày thường, từ 6 triệu kWh tăng lên 10,6 triệu kWh, đây là mức tiêu thụ kỷ lục từ trước đến nay, tất cả các trạm biến áp ở Thái Bình đều đầy tải và có nguy cơ bị quá tải”.
Tại các điểm “nóng”, những người thợ điện phải gồng mình chống chọi với thời tiết khắc nghiệt để giữ cho lưới điện không xảy ra sự cố. Chị Lương Thị Loan ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà cho chúng tôi biết: “Thời tiết mấy hôm nay nắng như thiêu như đốt, tôi ngồi trong nhà bật hai cái quạt mà vẫn thấy nóng, thế mà nhiều hôm cứ có chỗ nào báo mất điện, mặc ngoài trời có nóng 39-40 độ vẫn thấy mấy anh thợ điện "treo mình" trên cột điện để sửa chữa, đấu nối dây điện mà thấy thương quá cô ạ! Thế mới biết thợ điện họ thật tận tâm và hết lòng vì khách hàng”.
Qua tìm hiểu được biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Công ty đã lường trước những khó khăn, trong đó có dự báo về tình hình nắng nóng có thể diễn ra, Lãnh đạo PC Thái Bình đã có các phương án trong việc củng cố, cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống lưới điện, coi việc chống quá tải lưới điện là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, trước mắt bằng nhiều nguồn vốn như REII, KFW và sắp tới là vốn JICA, Công ty đã và sẽ tập trung cải tạo lưới điện trung, hạ thế để nâng cao chất lượng điện áp và hạ tỷ lê tổn thất điện năng. Sáu tháng đầu năm 2019, Công ty đã thực hiện cải tạo 37 MBA chuyển lưới 22 kV, với tổng dung lượng 7.680 kVA; xây dựng mới 55 TBA với tổng dung lượng: 14.250 kVA; Nâng công suất 44 MBA với tổng công suất: 14.480 kVA. Ngoài ra còn cải tạo, sửa chữa thường xuyên lưới điện hạ áp các xã sau tiếp nhận, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn.
Trong năm 2019, Công ty cũng có kế hoạch đầu tư 4 trạm chống quá tải tại một số huyện, nâng dung lượng lên gấp đôi như trạm 110 kV Vũ Thư (đầu tư thêm máy từ 25.000 kVA lên 40.000 kVA); bổ sung 01 máy công suất 40.000 kVA tại huyện Kiến Xương; đầu tư 01 máy 63.000 kVA tại huyện Quỳnh Phụ... Dự kiến, đến năm 2020 sẽ hoàn thành một số dự án như: Nâng cao hiệu quả lưới điện trung hạ áp khu vực thành phố Thái Bình với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để ngầm hóa lưới điện và nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết bị trạm từ lưới điện 10 kV lên 35 kV, 22 kV…
Kiểm tra trạm biến áp
Cùng với việc đầu tư về hệ thống điện, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng đóng vai trò "then chốt". Nhằm xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đài báo của địa phương, nhằm kêu gọi người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Công ty đã xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên có đủ năng lực, phẩm chất, kỹ năng, trình độ chuyên môn, có ý thức tổ chức kỷ luật, thái độ văn minh lịch sự, tận tụy phục vụ khách hàng. Công ty đã chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu của khách hàng để kịp thời hỗ trợ giải quyết nhanh và thỏa đáng mọi vướng mắc, yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng thông qua các dịch vụ cung cấp điện, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, Công ty đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin với nhiều ứng dụng mới, thông minh trong công tác ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện, dịch vụ nhắn tin thông báo lịch sửa chữa điện…, trong đó thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, giúp cho người lao động làm tốt làm tốt công tác chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngành Điện và quyền lợi của người tiêu dùng. Nhờ vậy mà năm 2018, Công ty Điện lực Thái Bình là một trong năm đơn vị có thành tích tốt nhất về chỉ số tiếp cận điện năng và độ hài lòng của khách hàng (đạt 8,37 điểm), được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng Bằng khen.
Cùng với việc phát triển, cải tạo, nâng cấp sửa chữa hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cũng được Công ty quan tâm thực hiện. Với sự giúp đỡ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, PC Thái Bình đã hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý, góp phần tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tối đa tiện ích cho khách hàng. Trong công tác quản lý đo đếm điện năng, Công ty đã triển khai ứng dụng công nghệ mã vạch, áp dụng thiết bị ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị hỗ trợ cầm tay; Ứng dụng phần mềm điện tử thông minh vào vận hành như lắp đặt rơ le điện tử số, reclozer tự động đóng ngắt và truyền dữ liệu từ xa, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định với độ chính xác cao, không tạo xung đột giữa ngành Điện với người dân... Trong đó, Công ty đã mở rộng liên kết thanh toán tiền điện với các ngân hàng và đối tác trung gian trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có thêm nhiều hình thức thanh toán thông qua ATM, SMS & Mobile Banking, Internet Banking... đảm bảo các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền điện thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.
Vẫn biết rằng mỗi nghề đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng với công việc của người thợ điện Công ty Điện lực Thái Bình thì tình yêu nghề đã giúp họ vượt qua, bởi với mỗi CBCNV nơi đây, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tất cả chỉ hướng đến một mục tiêu vì khách hàng.
Nguyễn Hoa