Ông Phạm Lê Phú - Giám đốc PTC1 - cho biết: Năm 2016, PTC1 được giao nhiệm vụ quản lý 72 dự án đầu tư xây dựng, giá trị thực hiện là 740,294 tỷ đồng. Thời tiết luôn có những biến đổi bất thường, gây khó khăn không nhỏ cho những người thợ điện. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong nhiều năm qua không hề tăng lên, trong khi khối lượng công việc càng tăng, khối lượng đường dây và trạm biến áp luôn tăng trưởng trên 10%... khiến áp lực công việc ngày càng cao. Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng, công ty vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống truyền tải 500kV Bắc - Nam vận hành ổn định, cung cấp điện an toàn, liên tục. Năm 2016, PTC1 đạt sản lượng điện truyền tải 64,026 tỷ kWh, bằng 101,1% kế hoạch năm; tỷ lệ tổn thất điện năng lưới 220kV là 1,22%, thấp hơn kế hoạch giao (1,33%).
Hiện nay, tổng chiều dài đường dây 220kV - 500kV công ty đang quản lý là 608.895km, tăng thêm 453,9km, tương ứng với mức tăng 8% so với cuối năm 2015. Công ty cũng tiếp nhận, đưa vào vận hành thêm 8 trạm biến áp mới (2 trạm 500kV, 6 trạm 220kV), đưa khối lượng vận hành của công ty lên 10 trạm biến áp 500kV và 46 trạm biến áp 220kV. Tổng công suất các máy biến áp là 31.253MVA, tăng thêm 6.385MVA, tương ứng 26% so với cuối năm 2015.
Đặc biệt, nhiều công trình lớn, trọng điểm của ngành đòi hỏi tiến độ, kỹ thuật phức tạp đã sớm được hoàn thành và đi vào vận hành như: Lắp MBA 220kV thứ 2 TBA 500kV Quảng Ninh; nâng công suất TBA 220kV Vật Cách từ 2 x 125MVA lên 125 + 250MVA; nâng công suất TBA 220kV Thanh Hóa từ 125 + 250MVA lên 2 x 250MVA; nâng công suất TBA 220kV Vĩnh Yên; nâng công suất TBA 500kV Thường Tín (nâng công suất MBA 500kV AT2 lên thành 900MVA); nâng công suất TBA 220kV Hoành Bồ từ 2 x 125MVA lên 125 + 250MVA.
Theo ông Phạm Lê Phú, có những dự án rất khó khăn trong quá trình triển khai, điển hình như dự án nâng công suất MBA 500kV AT2 lên 900MVA, tuy nhiên, chỉ trong 9 ngày thi công, dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành cấp điện. Việc cắt điện thi công được các trung tâm điều độ tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng, chủ yếu làm vào ban đêm và ngày nghỉ, do đây là thời gian có nhu cầu sử dụng điện tương đối thấp. Bố trí phạm vi thi công cũng gặp không ít khó khăn, khi mặt bằng nơi làm việc được rào chắn để ngăn cách với khu vực còn lại của trạm biến áp do vẫn đang vận hành cấp điện. Thách thức này đòi hỏi bộ phận quản lý dự án phải xây dựng kế hoạch điều phối chặt chẽ, khoa học, kết hợp với việc tăng cường thường xuyên giám sát an toàn khi thi công trên công trường. PTC1 đã sử dụng chính bộ máy quản lý vận hành để trực tiếp thi công, lắp đặt, thí nghiệm hiệu chỉnh; bảo đảm kiểm soát sự phức tạp của kỹ thuật công nghệ... “Có rất nhiều công đoạn chỉ những cán bộ kỹ thuật dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật kiến thức công nghệ chuyên sâu, mới có thể kiểm soát, giải quyết công việc” - ông Phạm Lê Phú cho biết.
Những năm gần đây, mặc dù đã có những kết quả khá tích cực trong công tác đầu tư xây dựng nhưng mức độ dự phòng trên hệ thống truyền tải điện của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc PTC1 hoàn thành đúng tiến độ các dự án đầu tư góp phần nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải điện Việt Nam. |
Nguồn Báo Công Thương