Thứ Sáu, 22/11/2024 11:49:12 GMT+7
Lượt xem: 303

Tin đăng lúc 25-04-2024

Cửa sáng cho hàng Việt vào thị trường châu Á - châu Phi

Khu vực châu Á – châu Phi luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây cũng là 2 thị trường được xem là phù hợp để hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần trong thời gian tới.
Cửa sáng cho hàng Việt vào thị trường châu Á - châu Phi
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Á - Phi khởi sắc song những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp vẫn tồn tại

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2024, xuất nhập khẩu với khu vực Á - Phi ước đạt 117 tỷ USD (chiếm 67% tổng giá trị xuất nhập khẩu với thế giới), tăng gần 13% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực Á Phi ước đạt 46 tỷ USD (chiếm 49%), tăng 11,8%. Điểm đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh tất cả những đối tác thương mại lớn như: Trung Quốc (9,8%), Hồng Kông (40,5%), Hàn Quốc (10,4%), Nhật Bản (7,1%), Indonesia (28,8%), Singapore (17,8%)...

 

Thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam

 

Xuất khẩu các mặt hàng truyền thống và quan trọng của Việt Nam sang khu vực Á - Phi vẫn duy trì được tăng trưởng tốt. Cụ thể, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,5 tỷ USD, tăng 23%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 28,3 tỷ USD, tăng 6,4%; giày dép các loại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 2,5%; gạo đạt 3,8 tỷ USD, tăng 38,3%, hàng rau quả đạt 4,4 tỷ USD, tăng 86%; hạt điều đạt 1,7 tỷ USD, tăng 26%; cà phê đạt 1,2 tỷ USD, tăng 19%…

 

Trong khi các nhóm hàng chế biến chế tạo, vật liệu xây dựng, nhiên liệu khoáng sản bị sụt giảm thì nhóm hàng nông thủy sản có sự tăng trưởng tốt 14%.

 

Đơn cử như vải thiều của Bắc Giang giữ vị thế “chắc chân” tại các thị trường trọng điểm, năm 2023 trong tổng số 111.000 tấn vải thiều xuất khẩu, Bắc Giang xuất khẩu phần lớn sang thị trường châu Á – châu Phi (thị trường Trung Quốc chiếm tới 99%, còn lại xuất khẩu sang các nước là Úc, UAE, Đông Nam Á và một số thị trường khác như Mỹ, Đài Loan, EU...).

 

Tương tự, cây chè cũng là sản phẩm có thế mạnh của trung du miền núi phía Bắc, quý 1/2024 đạt 43,4 triệu USD, tăng 23,1%; sang thị trường Á - Phi đạt 28,1 triệu USD, tăng 2% với cùng kỳ năm 2023.

 

“Châu Á và châu Phi là hai thị trường rất tiềm năng. Để thâm nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp như chúng tôi đã chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và cải tiến mẫu mã; sản phẩm chè tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ trồng chè, thu hái, bảo quản cho đến chế biến; đã đạt các bộ tiêu chuẩn Organic, Halal, GMP, Rainforest Alliance...”, bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển chè Tam Đường (Lai Châu) cho biết.

 

Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế quan trọng khi đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực này để trở thành một cầu nối lý tưởng giữa châu Á và châu Phi. Ngoài ra, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với sự tăng trưởng ổn định trong các ngành công nghiệp như công nghệ thông tin, sản xuất, và nông nghiệp, tạo tiềm năng lớn cho việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới.

 

Trong những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á - châu Phi. Các thỏa thuận thương mại tự do đã được ký kết, mở ra cánh cửa cho việc tiếp cận thị trường mới và giảm các rào cản thương mại.

 

Việt Nam cũng đã tận dụng các cơ hội hợp tác đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN và các hiệp định thương mại khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

“Khu vực châu Á – châu Phi luôn là thị trường quan trọng của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu tại châu Á - châu Phi là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Bằng việc tận dụng hiệu quả tiềm năng của các thị trường này và thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, Việt Nam có thể tiếp tục đạt được những thành công đáng kể trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình’, ông Đỗ Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đánh giá.

 

Cần hóa giải thách thức

 

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu tại châu Á - châu Phi không chỉ là một cơ hội lớn mà còn là thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Á - Phi khởi sắc nhưng các chuyên gia cho rằng, dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn song những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp không phải không có.

 

Một trong những thách thức lớn nhất là cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế lớn khác trong khu vực. Để cạnh tranh hiệu quả, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện hạ tầng vận tải và giảm chi phí sản xuất để xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm có thế mạnh, thuận lợi trong công tác kết nối với nhà nhập khẩu.

 

Ngoài ra, các rủi ro về biến động thị trường và chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến việc mở rộng xuất khẩu của Việt Nam. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường; thiếu hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài; chưa thâm nhập được vào chuỗi phân phối, cũng như chưa tận dụng được kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; sản xuất chế biến chưa đảm bảo dẫn tới việc vi phạm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn nhập khẩu thị trường còn rất phổ biến.

 

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn sản phẩm cũng là vấn đề cần quan tâm. Mỗi quốc gia đều có các tiêu chuẩn riêng về chất lượng và an toàn sản phẩm, điều này đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ và thích ứng với những yêu cầu này để tránh rủi ro pháp lý và tiếp tục duy trì thị trường xuất khẩu.

 

Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ đang tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ có thể thích ứng và tận dụng được cơ hội từ việc mở rộng xuất khẩu.

 

Cụ thể, áp dụng các chính sách thuế ưu đãi đối với các sản phẩm xuất khẩu nhằm tăng cạnh tranh và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý, hải quan và các rủi ro khác khi tham gia vào thị trường xuất khẩu để giảm bớt gánh nặng và tăng cường tính dễ dàng và linh hoạt trong kinh doanh quốc tế.

 

Bên cạnh đó, công tác tổ chức sản xuất (như quy hoạch vùng trồng, chủ động về giống và phân bón…), nâng cao chất lượng sản phẩm (mã vùng trồng, cơ sở đóng gói…), cũng như hợp tác để cải tiến công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến… đóng vai trò quan trọng để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giữ vững thị phần xuất khẩu tại các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia New Zealand… Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống logistics và hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu để đảm bảo thông quan hàng hóa nông sản thuận lợi qua biên giới...

 

Các chuyên gia dự báo, kinh tế thế giới và khu vực Châu Á và Châu Phi sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tương lai, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các quốc gia như Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và chuyển đổi số tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

Theo VNbusiness


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang