Thứ Sáu, 22/11/2024 11:43:07 GMT+7
Lượt xem: 2592

Tin đăng lúc 15-11-2016

Cục Chăn nuôi đề xuất đưa chất tạo nạc Cysteamine thành chất cấm

Cysteamine là một chất có tác dụng tăng trọng, tỉ lệ nạc cao. Hiện Cục Chăn nuôi đang đề xuất đưa chất tạo nạc Cysteamine thành chất cấm.
Cục Chăn nuôi đề xuất đưa chất tạo nạc Cysteamine thành chất cấm
Nhiều nước trên thế giới đã cấm chất tạo nạc Cysteamine. Ảnh minh họa.

Hiện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đang soạn thảo Thông tư để đưa chất Cysteamine (Cys) và Danh mục chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi đồng thời tiến hành các thủ tục để chỉ định các phòng thử nghiệm phân tích chất Cys phục vụ quản lý nhà nước. Dự kiến sẽ hoàn thiện trong tháng 12/2016.

 

Trong khi chờ đợi Thông tư này được ban hành, Cục Chăn nuôi đề xuất trước mắt cần tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu và lưu hành các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất Cys. Gia tăng tần suất kiểm tra, phân tích chất Cys đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi như: nước tiểu, thịt và phủ tạng. Các trường hợp bị phát hiện phải xử lý hết khung xử lý vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Cysteamine gián tiếp kích thích tăng trưởng vật nuôi

 

Thời gian qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất Cys nhập khẩu từ Thái Lan. Nổi bật vào tháng 8/2016, đoàn thanh tra đột xuất đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (địa chỉ: 39 Trần Quốc Hoàn, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. HCM) nhập 2 loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan, đã bán cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại lợn khu vực phía Bắc và phía Nam (bao bì không ghi thành phần Cys) nhưng khi kiểm tra phát hiện hàm lượng Cys là 29.898 mg/kg (29.898 ppm) và 30.645 mg/kg (30.645 ppm).

 

Thanh tra Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định sử phạt về hành vi nhập khẩu và kinh doanh chất không được cơ quan thẩm quyền cấp phép với số tiền 180 triệu đồng.

 

Nói về bản chất và tác dụng của chất Cys, Cục Chăn nuôi nhận định, chất Cys là một hợp chất sinh học được sinh ra tự nhiên trong đường tiêu hóa và vùng dưới đồi ở não của cá loài động vật, có tác dụng ức chế hooc môn Somatostatin (SS).

 

Trong cơ thể vật nuôi, hooc môn SS điều tiết sự sinh ra các hooc môn sinh trưởng và điều tiết quá trình sinh trường. Như vậy, theo logic khi lượng Cys tăng lên thì lượng SS giảm đi và lượng hooc môn sinh trưởng tăng lên, do đó vật nuôi sẽ lớn nhanh hơn. Nói cách khác, Cys là chất kháng hooc môn có vai trò kích thích sinh trưởng vật nuôi một cách gián tiếp.

 

Vận dụng cơ chế hoạt động tự nhiên của Cys, ngày nay người ta đã sản xuất ra Cys dạng công nghiệp với mục đích ứng dụng trong lĩnh vực sinh học. Trong chăn nuôi, Cys được nghiên cứu sử dụng như một chất phụ gia thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng vật nuôi. Trong nhân y, Cys đã được ứng dụng để điều trị một số bệnh (bệnh Cystinosis, bệnh liệt trung...).

 

Đã có nhiều công trình nghiên cứu (chủ yếu tại Trung Quốc) công bố về hiệu quả sử dụng và độc tính của Cys trong chăn nuôi. Cho đến nay, tính độc của Cys chủ yếu được tìm thấy là gây viêm loét dạ dày, tá tràng ở vật nuôi nếu sử dụng ở hàm lượng cao và thời gian sử dụng kéo dài.

 

Tuy nhiên, chưa có công trình nào công về về tính độc hay sự nguy hại của Cys đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, chưa có đề tài nghiên cứu khoa học để đánh giá tác dụng và sự trao đổi của Cys trong chăn nuôi tại Việt Nam.

 

Hiện nay, Cys được sản xuất nhiều tại Trung Quốc và đã được Chính phủ nước này phê duyệt làm phụ gia thức ăn chăn nuôi dưới dạng Cysteamine hydrochloride (Cys.HCL). Và Trung Quốc là quốc gia duy nhất hiện nay quy định Cys.HCL được sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi.

 

Nên đưa chất Cysteamine vào danh mục cấm

 

Năm 2002, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN về Danh mục các loại kháng sinh, hóa chất sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, trong Danh mục này không có chất Cys.

 

Tại danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam có 1 sản phẩm SunCys có nguồn gốc, xuất xử từ Trung Quốc có chứa chất Cys. Tuy nhiên, trước các thông tin đa chiều về tác dụng, tác hại của chất Cys, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị Bộ đưa sản phẩm SunCys ra khỏi danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam.

 

Tại nhiều nước khác như Thái Lan, Malaysia, Canada, Mỹ, Úc, Nhật Bản... trong danh sách các chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi đều không có chất Cys.

 

Cục Chăn nuôi đề xuất đưa chất tạo nạc Cysteamine thành chất cấm.

 

Tại Châu Âu, danh mục các chất được phép sử dụng và danh mục các chất cấm sử dụng cũng không có Cys. Tuy nhiên, Châu Âu quy định không được sử dụng các chất hoạt động hooc môn để kích thích tăng trưởng vật nuôi từ năm 1996.

 

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ sản phẩm thức ăn chăn nuôi công bố có chất Cys được phép lưu hành tại Việt Nam.

 

Song, để quản lý việc sử dụng chất Cys trong thời gian tới, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đề nghị: “Bộ nên đưa chất Cys vào danh mục cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở khoa học và điều kiện quản lý trước khi cấm sử dụng, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ trưởng cho phép chỉ định tạm thời một số phòng thử nghiệm phân tích chất Cys trong thức ăn chăn nuôi và sản phẩm vật nuôi để phục vụ kịp thời cho công tác thanh tram, kiểm tra việc sử dụng Cys trong chăn nuôi”.

 

Cục Chăn nuôi cũng giao Viện Thú y đưa nội dung nghiệp cứu sản xuất kít thử nhanh Cys trong chương trình hợp tác với Nhật Bản; triển khai 1 đề tài khoa học tại Việt Nam kết thúc ngay trong năm 2017 (giao Viện Chăn nuôi chủ trì thực hiện) để đánh giá sự tồn tại sẵn có của Cys trong tự nhiên (nguyên liệu thức ăn, sản phẩm chăn nuôi), đánh giá hiệu quả sử dụng và sự chuyển hóa Cys công nghiệp trong cơ thể vật nuôi.

 

Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị khẩn trương xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về phương pháp phân tích chất Cys trong thức ăn và sản phẩm chăn nuôi để thống nhất áp dụng trong các đơn vị phân tích trong nước.

 

Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, thông tin về tác hại của việc sử dụng chất Cys trong chăn nuôi đến người sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi.

 

Nguồn VietQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang