Sau khi có Nghị quyết 33, Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 5-11-2003 và Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 19-11-2003, trong đó đề ra 12 chương trình trọng tâm trên các ngành, lĩnh vực để thực hiện Nghị quyết. Việc triển khai Nghị quyết được tiến hành ở cả ba cấp (thành phố, quận, huyện, cơ sở) và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, TP Ðà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, khá toàn diện, là hình ảnh tiêu biểu, quyết liệt trong cải cách và năng động phát triển, với những chính sách mang tính đột phá, như đổi đất lấy hạ tầng; đền bù giải tỏa, tái định cư, chỉnh trang đô thị; chú trọng xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, dịch vụ... Nhờ đó, TP Ðà Nẵng đã đạt được những thành tựu cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, diện mạo đô thị thay đổi ấn tượng. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018, riêng giá trị năm 2018 gấp 4,2 lần so với năm 2003, bằng 1,39% so với cả nước; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 82,8 triệu đồng, gấp gần bảy lần so với năm 2003, cao hơn 1,42 lần so với vùng kinh tế trọng điểm miền trung và đạt khá khi so sánh với một số địa phương có điều kiện tương đồng và năng động của cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng, đô thị tạo được dấu ấn rõ nét, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, tầm vóc khu vực và quốc tế, nổi bật là Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Ðó là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực sẵn có; tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại so với mặt bằng chung cả nước và khu vực miền trung - Tây Nguyên. Mặc dù nhiều năm trở lại đây, Ðà Nẵng luôn duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính… nhưng những vấn đề trong tổ chức bộ máy đã dẫn đến những trì trệ, ách tắc, bất cập, cản trở sự phát triển năng động của Ðà Nẵng...
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của Ðà Nẵng đang cạn dần; doanh nghiệp nhà nước cũng như khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng; các nhân tố chiều rộng như đầu tư, đất đai, chi tiêu công, ngành công nghiệp và dịch vụ truyền thống, thị trường hạn chế và cơ chế chính sách cũ không còn phù hợp nền kinh tế đô thị. Trong khi đó, các cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi cũng như các chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, đầu tư, phân cấp quản lý… chưa đủ mạnh, chưa thật sự tạo động lực và sức bật cần thiết để Ðà Nẵng tăng tốc phát triển nhanh, bền vững. Ðây là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát huy vai trò của Ðà Nẵng là một cực phát triển kinh tế của miền trung. Vì thế, Ðà Nẵng cần những động lực mới để phát triển nhanh hơn, tạo lan tỏa và dẫn dắt phát triển mạnh hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Ðà Nẵng còn nhiều điểm bất cập trong quá trình phát triển, như nội bộ các ngành kinh tế phát triển chưa đồng đều; quy hoạch không gian đô thị còn những điểm nghẽn, manh mún; quỹ đất dành cho công viên, cây xanh, khu vực công cộng… khá ít ỏi; quản lý sử dụng đất, phát triển hạ tầng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống chung của vùng, quốc gia. Một số công trình, dự án trọng điểm đã được đề ra trong Nghị quyết chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, như Cảng Liên Chiểu, Làng đại học Ðà Nẵng, ga đường sắt mới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi (giai đoạn 2)...
Rõ ràng, kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ðà Nẵng chưa đủ lớn, chưa tạo nền tảng vững chắc cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Tầm nhìn của Ðà Nẵng là phải trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương, trung tâm dịch vụ quốc tế, một điểm đến cho các nhà đầu tư, du khách, thu hút nhân tài…, một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới.
Khát vọng của Ðà Nẵng, yêu cầu của đất nước đang đòi hỏi Ðà Nẵng có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch, có mô hình phát triển mới, với những cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá.
Tại Hội thảo chuẩn bị Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị (khóa IX), đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư yêu cầu Ðà Nẵng cần chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành T.Ư nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách mới phù hợp hơn với thực tế hiện nay; các chính sách dành cho Ðà Nẵng phải thông thoáng, mang tính đột phá, để thành phố phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 10 đến 15 năm tới. Muốn vậy, Ðà Nẵng cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, điều chỉnh công tác quy hoạch và phát triển không gian đô thị; xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; giải quyết kịp thời, đồng bộ những bất cập về cơ chế, chính sách và mô hình quản lý chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Huỳnh Ðức Thơ, trong giai đoạn sắp tới, Ðà Nẵng dựa trên ba trụ cột chính để phát triển kinh tế, đó là dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Về công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp phụ trợ, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cao. Phát triển các loại hình kinh tế biển, định hướng phát triển cảng biển theo hướng liên hoàn, phù hợp tiềm năng sẵn có của Ðà Nẵng. Tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, đưa cảng Ðà Nẵng trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Hình thành các trung tâm logistics cảng Liên Chiểu, Hòa Nhơn, Khu công nghệ cao.
PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Mục tiêu hàng đầu trong phát triển của Ðà Nẵng phải là chất lượng cuộc sống đô thị, trên cơ sở đó, định vị Ðà Nẵng là thành phố đáng sống hàng đầu của Ðông - Nam Á đến năm 2030 và hàng đầu châu Á đến năm 2045. Hai yếu tố quan trọng song hành để Ðà Nẵng tạo đột phá phát triển trong thời gian tới là: Xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo phát triển; kết nối, thu hút các nhà đầu tư chiến lược gắn với định hướng lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn.
Công cuộc đổi mới của đất nước đang tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện; vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực ASEAN và thế giới ngày càng được nâng cao; quyết tâm xây dựng Nhà nước "kiến tạo phát triển"; sự hợp tác giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng chặt chẽ hơn. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, TP Ðà Nẵng đã trải qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng. Bài học về lòng dân, về sự đoàn kết, thống nhất, cũng như những sai phạm của một số cán bộ, đảng viên lãnh đạo chủ chốt của thành phố vẫn còn nguyên giá trị, là bài học to lớn và lâu dài về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ kế cận… Các khuyết điểm, sai phạm trong thời gian qua cần được Ðảng, Nhà nước quan tâm xem xét, có hướng giải quyết, giúp thành phố sớm khắc phục, tạo điều kiện cho thành phố ổn định tình hình và phát triển trong thời gian tới. Ðó cũng chính là nguồn lực quan trọng và động lực thúc đẩy để thành phố phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đưa thành phố phát triển toàn diện với tốc độ nhanh và bền vững trên các lĩnh vực. |
|
Theo báo Nhân dân