Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định xung quanh vấn đề này.
PV: Thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đối với SXKD, ngành Thuế tỉnh Bình Định đã triển khai các giải pháp nghiệp vụ tích cực nhất để bảo đảm nguồn thu. Xin ông cho biết những con số khả quan đạt được trong 10 tháng đầu năm và triển vọng nguồn thu ngân sách tỉnh trong năm 2020?
Ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định: Triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ khiến ngành Thuế nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng đối mặt nhiều thách thức lớn. Đối với tỉnh Bình Định, tình hình nắng nóng kéo dài gây khô hạn đã tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Theo số liệu tổng hợp doanh thu từ tờ khai thuế GTGT 10 tháng 2020 tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 49,8% DN có tăng trưởng, 27,5% DN sụt giảm nhẹ (dưới 50% so với cùng kỳ) và 22,7% DN sụt giảm mạnh (trên 50% so với cùng kỳ). Có thể thấy được mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với Bình Định là khá lớn, tuy nhiên với gần 50% DN có mức tăng trưởng đã góp phần bù đắp cho số DN bị ảnh hưởng. Tổng thu nội địa đến ngày 31/10/2020 là 8.658 tỷ đồng, đạt 96,2% dự toán; giảm 14,5% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất (TSDĐ) thu được 5.268 tỷ đồng, đạt 87,8% dự toán; tăng 13,4% so với cùng kỳ, thì riêng tiền SDĐ thu được 3.390 tỷ đồng, đạt 113% dự toán...
PV: Để đạt được thành quả đó, theo ông những giải pháp chính được toàn ngành triển khai trong năm 2020 là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đẩu – Cục trưởng Cục Thuế Bình Định
Cục trưởng Nguyễn Đẩu: Để đạt được thành quả đáng khích lệ đó có các nguyên nhân sau: Có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cũng như toàn hệ thống chính trị tham gia cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương, GRDP tăng 3,61% cùng kỳ năm 2019. Ngành Thuế đã nhanh chóng đưa chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống; tuyên truyền, thông tin đến người nộp thuế (NNT) biết, thụ hưởng. Chính những liều “vắc-xin kinh tế” này giúp tăng sức đề kháng của cộng đồng DN tỉnh Bình Định.
Đồng thời, Bình Định cũng đã thay đổi công tác quản lý thuế trong năm 2020 để phù hợp với trạng thái “Bình thường mới”, thể hiện ở một số giải pháp trọng tâm như: Đó là, xác định lấy DN làm động lực, trụ cột phát triển cho công tác thu NSNN. Do đó toàn ngành tập trung hỗ trợ tối đa cho DN; thúc đẩy “tinh thần thuế” của người nộp thuế lên cao nhất. Trong quá trình dịch diễn ra vào tháng 3/2020, ngành đã hỗ trợ DN, theo sát diễn biến, tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung các ngành sản xuất, chế biến gỗ, đá, may mặc, da giày, hàng không... vào đối tượng được hỗ trợ. Đến nay, đã có 1.600 DN được thụ hưởng, với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 466 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,5% số DN thuộc đối tượng điều chỉnh; qua đó tạo nguồn động viên giúp DN tập trung ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công tác hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời cũng là yếu tố mà ngành thuế quan tâm thúc đẩy; Lũy kế từ đầu năm, Cục Thuế đã giải quyết được 316 hồ sơ hoàn thuế với số thuế được hoàn là 922,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế thường xuyên tham vấn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về chính sách thuế. Đặc biệt là việc biên tập các sai phạm của NNT qua công tác quản lý thuế, đăng tải công khai để DN tự rà soát, kê khai điều chỉnh.
Cục Thuế Bình Định tổ chức đối thoại giải quyết khó khăn với các DN năm 2020
Mặt khác, điện tử hóa công tác quản lý thuế, lấy công nghệ thông tin làm khâu đột phá, tạo động lực cho công tác quản lý thuế. Trong đợt hỗ trợ quan trọng nhất của năm 2020 là tháng quyết toán thuế (tháng 3), ngành Thuế đã chuyển mình rõ nét trong công tác thanh toán hoàn thuế; tích cực tuyên truyền, vận động DN sử dụng các tiện ích điện tử mà ngành đang cung cấp, kết quả có 100% DN thực hiện khai thuế điện tử, 99,24% DN nộp thuế điện tử; 100% DN sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử và 56% DN đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.
Công nghệ thông tin đã giúp NNT có sự chuyển biến tích cực, ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của NNT được nâng cao, thể hiện qua giảm vi phạm hành chính về thủ tục; giảm xử phạt vi phạm hành chính qua công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời kết quả tăng thu qua công tác cảnh báo NTT tự rà soát, kê khai bổ sung cho thấy hiệu quả rõ nét: Tăng số thuế phải nộp 64,1 tỷ đồng, giảm thuế GTGT còn khấu trừ 9,9 tỷ đồng, giảm lỗ 105,5 tỷ đồng.
Cục Thuế cũng thay đổi phương thức thanh tra, kiểm tra theo định hướng gia tăng hàm lượng công nghệ thông tin thay cho phương thức thanh tra, kiểm tra trực tiếp, theo vụ việc như trước đây. Lũy kế từ đầu năm, toàn ngành đã kiểm tra được 3.845 hồ sơ khai thuế; phát hiện 471 hồ sơ rủi ro, thông báo cảnh báo đến NNT, kết quả có 292 hồ sơ kê khai điều chỉnh bổ sung, tăng số thuế phải nộp là 64,1 tỷ đồng, giảm thuế GTGT còn khấu trừ 9.9 tỷ đồng, giảm lỗ 105,5 tỷ đồng.
Hội nghị Tập huấn và đối thoại chính sách thuế 2020
Cục Thuế còn xây dựng nhiều kịch bản để chủ động ứng phó với đại dịch. Trong đó, cơ cấu lại nguồn thu, tập trung các nguồn thu có tiềm năng, còn dư địa, nguồn thu mới, ít bị ảnh hưởng để khai thác bù đắp như: Nguồn từ tiền thuê đất, sử dụng đất; nguồn phát sinh từ các công trình, dự án xây dựng lắp đặt vãng lai; nguồn thuế BVMT xăng dầu; nguồn điện gió, điện mặt trời; kinh doanh bất động sản vãng lai; nguồn phân bổ từ các tập đoàn lớn cho các chi nhánh trên địa bàn; nguồn tăng thu từ việc cảnh báo thuế TNCN đối với DN, cá nhân; nguồn thu từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh số; nguồn thu từ các dự án mới đi vào hoạt động, các DN hết thời gian ưu đãi... Nhờ cơ cấu lại nguồn thu tiền thuế đã được bổ sung đáng kể.
PV: Triển khai đợt thi đua nước rút về đích năm 2020, ngành Thuế Bình Định đã có kế hoạch gì để bảo đảm nguồn thu đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Đẩu: Trong 02 tháng cuối năm, ngành Thuế Bình Định sẽ tiếp tục thực hiện 03 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể, tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận với chính sách mới, công khai các lỗi vi phạm để DN biết, phòng tránh; Hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN về chính sách, các vấn đề liên quan đến hoàn thuế, ưu đãi thuế giúp DN thụ hưởng tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Gia tăng hàm lượng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế; trong đó quan trọng nhất là việc thanh tra, kiểm tra “tại bàn”, vừa tạo được sự hài lòng, tránh phiền hà cho DN, vừa tăng cường nghiệp vụ cho công chức quản lý, giúp cho công tác quản lý DN có tính hệ thống, chuyên sâu. Qua đó, cảnh báo cùng lúc nhiều DN theo ngành, lĩnh vực rà soát, điều chỉnh chung đối với những khoản mục sai phạm mang tính hệ thống.
PV: Xin cám ơn ông và chúc ngành Thuế Bình Định hoàn thành kế hoạch năm 2020, tạo đà thắng lợi cho năm 2021.
Văn Thuận (thực hiện)