Thứ Sáu, 22/11/2024 18:58:49 GMT+7
Lượt xem: 4467

Tin đăng lúc 30-07-2015

Cung ứng thực phẩm đạt chuẩn xuất khẩu cho người dân

Đánh giá cao sự quyết liệt của Hà Nội, TPHCM trong việc triển khai chuỗi cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là tư duy rất mới, cần đẩy mạnh và nhân rộng ra các địa phương khác, tiến tới sao cho thực phẩm từ các tỉnh bên ngoài vào Hà Nội, TPHCM giống như đi xuất khẩu.
Cung ứng thực phẩm đạt chuẩn xuất khẩu cho người dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá chuỗi cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, là tư duy rất mới, cần đẩy mạnh và nhân rộng ra các địa phương khác. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chiều 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thành lập được 20.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.390 cơ sở, phát hiện 68.025 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8% (năm 2014 là 21,3%) nhưng mới chỉ có 12.690 cơ sở bị xử lý, chiếm 18,7% (năm 2014 là 18,2%), bao gồm cảnh cáo 6.215 cơ sở, phạt tiền 6.618 cơ sở với số tiền trên 17,7 tỉ đồng.

 

Cập nhật đến hết tháng 6/2015, cả nước ghi nhận 90 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 2.595 người mắc, 2.444 người đi viện và 16 trường hợp tử vong. So với cùng kì năm 2014, số vụ giảm 8 vụ (8,2%), số ca mắc giảm 138 người (5,0%) và số tử vong giảm 10 người (38,5%). Nguyên nhân gây tử vong do NĐTP chủ yếu là do độc tố tự nhiên như cá nóc, ốc biển, cóc, nấm độc…

 

Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành.

 

Cụ thể, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản trên phạm vi toàn quốc với 221/1924 (10,9%) cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản, 138/867 (15,9%) cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C. Việc tái kiểm tra các cơ sở xếp loại C chưa được triển khai nhiều tại các địa phương, số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản vẫn xếp loại C khi được tái kiểm tra còn ở mức cao (36/52 cơ sở)…

 

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về ATVSTP, phạt hành chính trên 17 tỉ đồng.

 

Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong toàn quốc đã phát hiện 1.068 vụ vi phạm pháp luật về ATVSTP, đã xử lý hành chính 872 vụ với số tiền phạt là 5,33 tỉ đồng.

 

Trong công tác kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đã có 34 tỉnh, thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận ISO 17025; 17 tỉnh đang triển khai xây dựng. Bộ Y tế đã chỉ định được 10 phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về ATVSTP.

 

Các đoàn liên ngành đã lấy 7.914 mẫu để kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm (4.296 mẫu kiểm tra chỉ tiêu lý hóa, 3.618 mẫu kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật), kết quả cho thấy 338/4.296 số mẫu không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu lý hóa, chiếm 7,9% (năm 2014 là 13,4%), 634/3.618 số mẫu không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu vi sinh vật, chiếm 17,5% (năm 2014 là 8,9%).

 

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành là thành viên trong Ban Chỉ đạo đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại nổi cộm như chưa ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn theo trách nhiệm của ngành mình, xử lý vi phạm còn chưa kiên quyết, đặc biệt tại tuyến xã, phường, sự phối hợp của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, thiếu tính thống nhất…

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng điều người dân đang bức xúc hiện nay đối với vấn đề ATVSTP không chỉ là công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, cơ sở hạ tầng đảm bảo ATVSTP yếu kém mà còn là tình trạng gian lận thương mại và người sản xuất bất chấp tất cả để chạy theo lợi nhuận. Vì thế dẫn đến tình trạng bơm nước vào thịt, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở cung cấp suất ăn tập thể sử dụng thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng…

 

Từ câu chuyện trong 5 tháng đầu năm 2015 ngành nông nghiệp mới tái kiểm tra 52/221 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản, vật tư nông nghiệp xếp loại C, trong đó 36 cơ sở tiếp tục bị xếp loại C, nhưng vẫn đang hoạt động do có sự lúng túng trong phối hợp xử lý các cơ sở này ở cấp địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Kiểm tra các cơ sở tái phạm mà không xử lý thì còn tệ hơn là không kiểm tra.  Bộ NN&PTNT phải có ngay văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng này.

 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn đánh giá, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế thuộc trách nhiệm ngành mình, khẩn trương khắc phục trong thời gian sớm nhất.

 

 

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hết sức quan trọng, nếu không làm liên tục thì rất khó thành công.

 

Ông Sửu cho biết: Hà Nội có 58.092 cơ sở từ giết mổ đến rau củ quả, có 412 chợ trên địa bàn 30 quận huyện. Vì vậy công tác bảo đảm vệ sinh ATVSTP là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra 62.291 cơ sở sản xuất, kinh doanh  thực phẩm, phát hiện 11.034 cơ sở vi phạm, xử lý 7.113 cơ sở, phạt tiền trên 8,8 tỉ đồng. Hà Nội cũng đã ký cam kết với 14 tỉnh trong việc triển khai các chuỗi thực phẩm nông sản cung cấp cho Thành phố.

 

Trong khi đó, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết 2 nhiệm vụ trọng tâm được Thành phố triển khai trong 6 tháng đầu năm là xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và mô hình điểm kiểm soát điều kiện ATVSTP đối với cơ sở thức ăn đường phố.

 

Đến nay, TPHCM đã ký kết với 22 tỉnh thực hiện chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, cấp 46 giấy chứng nhận theo chuỗi với sản lượng trên 32.000 tấn.

 

Đánh giá cao kinh nghiệm của TP. Hà Nội và TPHCM trong việc phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là tư duy rất mới, cần đẩy mạnh và nhân rộng ra các địa phương khác, tiến tới sao cho thực phẩm từ các tỉnh bên ngoài vào Hà Nội, TPHCM giống như đi xuất khẩu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối qua siêu thị, chuỗi cửa hàng, các cửa hàng tiện lợi…

 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế tích cực làm việc cụ thể với 2 thành phố để khẩn trương triển khai thí điểm mô hình thanh tra an toàn thực phẩm xã, phường cũng như cơ chế, quy định đặt máy kiểm nghiệm ATVSTP tại các chợ đầu mối mới.

 

Bên cạnh đó, các đoàn thể xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ), các tôn giáo cần tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp, y tế tham gia vận động người dân tuân thủ các quy định sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch, an toàn.

 

“Một việc nữa cần làm sớm là triển khai các chương trình tuyên truyền ATTP  không chỉ trên đài truyền hình, sóng phát thanh quốc gia mà cả các đài địa phương, truyền hình cáp. Công tác đảm bảo vệ sinh ATVSTP phải làm rất nhiều mũi, gồm luật pháp, thanh tra, rồi xử lý, cùng với bền bỉ vận động nhân dân thông qua đoàn thể, phương tiện thông tin đại chúng”, Phó Thủ tướng nói.

 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ATVSTP của các nước tiên tiến, từ đó đề xuất các dự án cụ thể nhằm thiết lập hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh ATVSTP theo mô hình tiếp cận rủi ro.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang