Thứ Hai, 25/11/2024 13:58:19 GMT+7
Lượt xem: 861

Tin đăng lúc 30-09-2020

Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Lại một "ông lớn" ra đi…

Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang, lại thêm một công ty công nghệ Trung Quốc phải “dứt áo ra đi” sau 20 năm gắn bó với phố Wall.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung: Lại một "ông lớn" ra đi…
Sina Corporation “gạt nước mắt” rời bỏ Phố Wall sau 20 năm gắn bó khi mà các công ty công nghệ Trung Quốc bị giám sát một cách hết sức gắt gao tại Mỹ.

Sina Corporation - Công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc với bốn ngành kinh doanh chính: Sina Weibo, Sina Mobile, Sina Online và Sinanet. Họ có đến hơn 100 triệu người dùng đã đăng ký trên toàn thế giới. Năm 2003, Sina đã được Southern Weekend công nhận là "công ty truyền thông của năm ở Trung Quốc".

 

Nhưng giờ đây, công ty truyền thông trực tuyến lớn của Trung Quốc này đang “gạt nước mắt” rời bỏ Phố Wall sau 20 năm gắn bó khi mà các công ty công nghệ Trung Quốc bị giám sát một cách hết sức gắt gao tại Mỹ.

 

Trong quá khứ, Sina từng được chào bán công khai trên Nasdaq vào năm 2000. Công ty sở hữu Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc thường được so sánh với Twitter của Mỹ. Sina đang được định giá ở mức 2,6 tỷ USD.

 

Trên thực tế, tại Phố Wall bây giờ, các công ty Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với “sự cảnh giác” hơn bao giờ hết. 

 

Quay trở lại thời gian trước, Luckin Coffee đã bị loại khỏi sàn Nasdaq sau khi tiết lộ những bất thường về kế toán. Một câu chuyện dài về sự gian lận của Luckin Coffee đang khiến các nhà lập pháp nước Mỹ có cái nhìn không thiện cảm với các công ty xuất xứ từ Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán nước này.

 

Chỉ trong vòng chưa đến 3 năm, Luckin Coffee từ “hai bàn tay trắng” đã lập nên đại nghiệp, trở thành một chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc với 4.500 cửa hàng, vượt mặt cả Starbucks. Công ty niêm yết tại sàn Nasdaq vào tháng 5/2019 với giá trị vốn hóa thị trường lên đến 561 triệu USD chỉ sau 18 tháng được thành lập. Và chưa đầy 6 tháng sau đó, giá trị của Luckin đã tăng hơn …20 lần, đạt mức 12,5 tỷ USD.

 

 

Luckin Coffee từng vướng vào vụ bê bối gian lận tài chính.

 

Các nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi tốc độ tăng trưởng nhanh đến chóng mặt từ Luckin, và nhờ vào đó, họ huy động được hơn 2,4 tỷ USD trong chưa tới 3 năm từ 190 nhà đầu tư và tổ chức.

 

Tuy nhiên, phía sau những con số ấn tượng này chỉ là “cái bẫy” của chính Luckin. Tháng 4/2020, Luckin Coffee bị phát hiện đã nâng khống gần một nửa doanh thu trong 3 quý cuối năm 2019. Ngay lập tức, cổ phiếu của Luckin bị ngừng giao dịch. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch của Mỹ cùng giới chức quản lý tài chính Trung Quốc đều vào cuộc điều tra.

 

Và kể từ đó, các nhà lập pháp, cơ quan chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đã thực hiện các bước nhằm hạn chế việc Bắc Kinh tiếp cận các thị trường vốn rộng lớn của Mỹ.

 

Vào tháng 5, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật ngăn chặn các công ty Trung Quốc giao dịch cổ phiếu trên Phố Wall. Các nhà lãnh đạo lưỡng đảng của dự luật cho biết mục tiêu là "loại bỏ các công ty Trung Quốc gian dối khỏi các sàn giao dịch của Mỹ." Mặc dù vậy, dự luật vẫn cần sự thông qua Hạ viện Mỹ.

 

Mới đây, vào tháng 8, Nhóm Công tác về Thị trường Tài chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát hành một báo cáo khuyến nghị tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết và yêu cầu thẩm định đối với việc đầu tư vào các công ty Trung Quốc.

 

Thời điểm này, với những lo sợ về rắc rối pháp lý tiềm ẩn ở Mỹ, cũng như muốn gần gũi hơn với các nhà đầu tư thực sự sử dụng sản phẩm của họ, một số công ty công nghệ Trung Quốc đã cung cấp danh sách thứ cấp ở Hồng Kông và Thượng Hải - trong số đó có công ty thương mại điện tử Alibaba và JD.com.

 

 

 Nhiều công ty Trung Quốc hiện tại đang quay về phát hành cổ phiếu thứ cấp tại thị trường Hồng Kông và thị trường nội địa.

 

Trong khi đó, công ty liên kết tài chính Ant Group của Alibaba lại chọn Thượng Hải và Hồng Kông để phát hành cổ phiếu lần đầu ra mắt công chúng, mặc dù Alibaba đã có một đợt IPO bom tấn trên sàn chứng khoán New York vào năm 2014.

 

Thỏa thuận ra đi của Sina được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong những tuần gần đây, hai nước đã xung đột về các mối đe dọa và hạn chế của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như TikTok, WeChat và cả nhà sản xuất chip SMIC.

 

Theo các nhà phân tích của Eurasia nhận định, các công ty Trung Quốc hiện tại đang “khó thở” tại Mỹ. Rất có thể, họ sẽ phải phát hành cổ phiếu thứ cấp tại thị trường Hồng Kông và thị trường nội địa. Những thị trường này cũng sẽ là điểm đến chính cho các công ty Trung Quốc niêm yết mới khi nước Mỹ không còn giang tay chào đón.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang