Thứ Năm, 28/11/2024 00:49:30 GMT+7
Lượt xem: 4110

Tin đăng lúc 29-05-2018

Cuộc chiến mới của thị trường tiêu dùng nhanh

Được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%/năm đến năm 2025, thị trường tiêu dùng nhanh đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất trong chiến lược phát triển kinh doanh.
Cuộc chiến mới của thị trường tiêu dùng nhanh
Ảnh minh họa

Với 70% dân số trong độ tuổi từ 15 - 64, tổng mức chi tiêu của người Việt Nam dự kiến đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Một phần ba dân số thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2020 với mức thu nhập tăng khoảng 8,8%/năm, cùng dự báo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng khoảng 20%/năm là hấp lực để nhiều doanh nghiệp tập trung phát triển ngành hàng, trong đó phân khúc sản phẩm cao cấp được xem là lực đẩy trong cuộc đua giành thị phần.

 

Doanh nghiệp "chạy đua"

 

Là doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng sữa, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng không đứng ngoài cuộc, khi cho ra thị trường sữa tươi Vinamilk 100% Organic cao cấp theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, với giá bán cao gần gấp đôi sữa tươi thường.

 

“Sữa tươi Organic đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao với sản phẩm hữu cơ, đem đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn đa dạng về các chủng loại sản phẩm sữa với chất lượng quốc tế”, ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Điều hành của Vinamilk cho biết.

 

Một đơn vị khác là Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Corp) cũng đã không giấu thành tựu của việc điều chỉnh kinh doanh sang phân khúc cao cấp. Theo đó tại đại hội cổ đông năm 2018, Masan đã công bố khởi đầu năm 2018 thuận lợi với doanh thu thuần tăng 78,3% so với quý I/2017. Dự kiến doanh thu năm 2018 cho ngành hàng gia vị của đơn vị này đạt 6.000 đến 6.500 tỷ đồng, ngành hàng thực phẩm tiện lợi tăng 15 - 20% với 1/3 sản phẩm đến từ sản phẩm mới.

 

Trên đà tăng trưởng của năm 2017, như mảng thực phẩm đông lạnh đạt 15,7%, cao hơn mức tăng bình quân của ngành là 14,7% nhờ vào xu hướng tiêu dùng sản phẩm ở phân khúc cao cấp, năm 2018, Tập đoàn Kido tiếp tục phát triển lợi thế nhóm sản phẩm thiết yếu như dầu, kem, đồng thời đẩy mạnh đầu tư sản phẩm mới để cạnh tranh về FMCG.

 

Cụ thể, Kido sẽ mở rộng sang ngành nước uống, quay lại ngành mì gói và nước chấm bên cạnh việc phát triển các ngành hàng đã triển khai trong năm qua như đường, xúc xích, bánh bao, đồ hộp, khoai tây chiên. Với ngành thực phẩm lạnh đạt giá trị khoảng 29.100 tỷ đồng, trong đó thị trường kem, sữa chua với giá trị thị trường khoảng 18.000 tỷ đồng, Kido tiếp tục gia tăng các dòng sản phẩm lạnh cao cấp. Đơn cử mới đây là cho ra mắt kem Taiyaki dưới thương hiệu Celano.

 

Riêng ngành dầu ăn mỗi năm tăng 6%, ước tính đạt giá trị 29.000 tỷ đồng (tăng gần 4,8% so với năm 2016), trong đó phân khúc dầu ăn cao cấp chiết xuất từ các loại hạt vẫn chiếm vị trí lớn nhất với 90%, chiến lược năm 2018 của Kido là hợp tác với các nhà sản xuất phụ tùng gốc (Original Equipment Manufacturer - OEM), mua lại 51% vốn tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè.

 

Nếu như chiến lược sản phẩm mới của Masan trong vòng 5 năm tới với sữa, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân thì Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld - DGW) đã nhanh chân hơn khi năm 2017 "lấn sân" sang lĩnh vực này. Dù nguồn thu từ phân phối FMCG năm 2017 chưa đáng kể, chỉ đạt 50 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng doanh thu nhưng trong kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa qua, DGW tự tin đưa ra doanh thu năm 2018 đạt 200 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 600 tỷ đồng từ FMCG.

 

Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DGW nói: "Với quy mô 6 tỷ USD của ngành thực phẩm chức năng, đây là một thị trường đang tăng trưởng và trong lĩnh vực này, doanh nghiệp nào đi đúng hướng, nhanh chân hơn và làm tốt hơn sẽ chiếm được phần lớn hơn".

 

Để thâm nhập thị trường FMCG, chiến lược của DGW là bắt tay với các công ty có sản phẩm cao cấp nhưng mới gia nhập thị trường hoặc chưa được xây dựng hình ảnh thương hiệu đúng tiềm năng, như đã mua 50,3% cổ phần Công ty Lion Corporation của Nhật Bản và trực tiếp phân phối hàng FMCG cao cấp của Nhật như kem đánh răng Kodomo, kem tẩy trắng răng Zact Lion, bàn chải đánh răng Systema, nước giặt quần áo Essense, bột giặt Bio Zip, nước rửa chén Bubbi King...

 

Xu hướng tất yếu

 

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh số của sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp, dù có giá cao hơn mức giá trung bình của toàn ngành hàng ít nhất 20%, đang tăng trưởng ở mức độ chóng mặt tại thị trường Đông Nam Á và Việt Nam nằm trong xu hướng này.

 

Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho rằng, thị trường đang chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt của tầng lớp trung lưu khi họ tăng chi tiêu nhiều hơn cho các nhãn hàng cao cấp.

 

Cụ thể, từ tháng 9/2014 đến tháng 9/2016, trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh, thị phần của phân khúc cao cấp tăng ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Trong đó, mức tăng tại 6 thành phố lớn gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Nha Trang là mạnh nhất, từ 37% lên 42%.

 

Hiện tượng này chính là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất “cao cấp hóa” các sản phẩm của mình.

 

Đồng quan điểm, hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho hay, thị trường tiềm năng và sản phẩm ngành hàng FMCG được tiêu thụ nhiều, quay vòng nhanh nhưng lợi nhuận trên từng sản phẩm tương đối thấp. Vì vậy, các doanh nghiệp FMCG hướng đến các sản phẩm thuộc phân khúc sản phẩm cao cấp nhằm cải thiện biên lợi nhuận.

 

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực FMCG, mức sống của người dân và nhận thức của người dùng, nhất là giới trẻ về sức khỏe ngày càng cao, cộng với mức tiêu thụ sản phẩm FMCG có thương hiệu ở vùng nông thôn Việt Nam đang gia tăng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Đó là lý do các doanh nghiệp đang chạy đua phát triển sản phẩm cao cấp. Bên cạnh đó, phân khúc này cũng thường ít cạnh tranh về giá, lại có biên lợi nhuận cao hơn, đặc biệt khách hàng đã tin tưởng thì trung thành nên sản phẩm cao cấp giúp doanh nghiệp "chạy nhanh hơn" trong cuộc đua giành thị phần FMCG.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang