Tính chung trong 10 tháng năm 2016, kim ngạch XK của ngành dệt may ước đạt 23,304 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 4,8% so với năm 2015. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu XK 28 - 29 tỷ USD trong năm nay, trung bình hai tháng cuối năm, kim ngạch XK của ngành dệt may cần đạt trên 2,5 tỷ USD/tháng - một nhiệm vụ xem ra rất khó đạt khi thị trường thế giới đang tăng trưởng chậm.
Lo mất đơn hàng
Các thị trường XK chủ lực của dệt may Việt Nam trong 10 tháng qua đều tăng, nhưng là mức tăng rất thấp so cùng kỳ năm ngoái, không như mục tiêu đã đề ra trước đó.
Cụ thể, Hoa Kỳ với kim ngạch cao nhất đạt 9,760 tỷ USD (tăng 4,37%); EU đạt 2,984 tỷ USD (tăng 2,46%); Nhật Bản đạt 2,495 tỷ USD (tăng 4,61%) và Hàn Quốc đạt 2,207 tỷ USD (tăng 5,34%) so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các thị trường khác đạt 5,858 tỷ USD, tăng 6,6%.
Như nhận định của Bộ Công Thương, tình hình SX-KD của ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn, do các khu vực thị trường XK chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản nhu cầu sụt giảm đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành.
Bên cạnh đó, Bộ này cho rằng các DN trong ngành đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu đơn hàng. Một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia... Do vậy, sản lượng sản xuất vải, dệt, trang phục và một số mặt hàng khác chỉ tăng nhẹ.
Điều đáng nói, mức tăng nhẹ của XK dệt may chủ yếu dựa vào khối các DN FDI vốn chủ yếu dự vào nguồn lao động rẻ. Còn thực tế, việc thiếu hụt đơn hàng XK cho hai tháng cuối năm đang là khó khăn chung của hầu hết các DN dệt may trong nước hiện nay.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là bởi các đơn hàng bị hút sang các nước như Campuchia, Lào, Myanmar do các nước này có ưu đãi thuế suất 0% khi xuất vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Trong khi đó, thuế xuất hàng vào các thị trường này của Việt Nam hiện lên tới 18%. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hồi tháng 9/2016, chỉ có khoảng 30% DN có đủ đơn hàng XK đến cuối năm. Các DN dệt may đang chia sẻ đơn hàng với nhau cũng như chuyển hướng sản xuất về thị trường nội địa để khắc phục khó khăn.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, đã phải thừa nhận rằng các DN trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ láng giềng.
Viễn cảnh tăng trưởng chậm
Không những vậy, trong buổi làm việc với Bộ Công Thương mới đây, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đã đưa ra các dự báo tác động ảnh hưởng đến tình hình SX-KD dệt may năm 2017, trong đó có sự cạnh tranh đến từ các quốc gia XK dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan.
Theo ông Trường, các quốc gia này sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN dệt may của họ như đã làm trong năm 2016, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh XK, thu hút khách hàng, gây khó khăn lớn cho DN dệt may Việt Nam.
Trong năm 2017, tổng cầu dệt may thế giới vẫn sẽ tăng trưởng chậm, đặc biệt với việc Brexit sắp diễn ra và việc một số chính trị gia ở Mỹ không ủng hộ TPP sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch XK dệt may Việt Nam sang hai thị trường lớn là EU và Mỹ.
Vì vậy, DN dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Dự kiến nếu không có chính sách đột phá, cụ thể là các chính sách hỗ trợ ngành dệt may, kim ngạch XK dệt may năm 2017 của ngành sẽ chỉ tăng khoảng 5 - 7% so với năm 2016.
Để “cứu nguy” cho dệt may XK trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang đề nghị Bộ Công Thương sớm có phản hồi và có hỗ trợ cụ thể các khó khăn của ngành dệt may mà Bộ đang nghiên cứu, hoặc đã báo cáo Chính phủ. Hơn nữa, cần quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may, đối với cả các DN FDI và trong nước.
Ông Vũ Đức Giang cũng lưu ý rằng cần điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành dệt may phù hợp với tốc độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam; thống nhất quy hoạch và cấp phép các KCN dệt may, hỗ trợ lãi vay cho DN. Song song đó, nên ban hành chính sách tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ XK cũng như hỗ trợ sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật đang gây vướng mắc cho DN dệt may…
Nguồn Thời báo kinh doanh