Thứ Sáu, 22/11/2024 01:09:33 GMT+7
Lượt xem: 3405

Tin đăng lúc 25-10-2015

Đà Lạt cấm cửa khoai tây Trung Quốc: Mới chặn phần ngọn!

Câu chuyện UBND Tp.Đà Lạt cấm cửa tiểu thương nhập khoai tây Trung Quốc "đội lốt" vào chợ nông sản Đà Lạt đang dậy sóng. Trước tình trạng nông sản Trung Quốc tràn ngập thị trường, thiết lập "hàng rào" bảo vệ nông sản Việt là việc cần làm lúc này.
Đà Lạt cấm cửa khoai tây Trung Quốc: Mới chặn phần ngọn!
Khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ đang phá hoại thương hiệu khoai tây Đà Lạt

Mới đây, UBND Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã quyết định không cho nhập khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt từ ngày 20/10. Nhưng trước áp lực của một số đối tượng đã nhập nhiều container khoai tây Trung Quốc về chợ đầu mối nên Tp. Đà Lạt đồng ý gia hạn lệnh cấm đến ngày 1/11 để các tiểu thương giải phóng lượng khoai tây nhập về.

 

Những diễn biến này rất đáng suy ngẫm trước việc nông sản Trung Quốc tràn ngập như bây giờ.

 

Có triệt được gian thương?

 

Nhiều năm nay, tình trạng khoai tây Trung Quốc "đội lốt" khoai tây Đà Lạt để tuồn ra thị trường cả nước đã gây nhức nhối giới kinh doanh nông sản nội địa. Chỉ tính riêng trong 3 tháng trở lại đây, đã có 41 lô khoai tây Trung Quốc với 1.063 tấn được nhập về chợ nông sản Đà Lạt. Chợ nông sản này có tổng cộng 75 hộ đang kinh doanh, trong đó tới 24 hộ là kinh doanh khoai tây thì đa phần đều kinh doanh khoai tây Trung Quốc. 

 

Điều cay nghiệt là nhiều tiểu thương đã trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc (vốn có chất lượng kém, độc hại) để gắn mác khoai tây Đà Lạt hòng bán được giá tốt và tiêu thụ nhanh.

 

Chính tình trạng này đã giết dần giết mòn uy tín thương hiệu khoai tây Đà Lạt. Người tiêu dùng chỉ muốn ăn khoai Đà Lạt cho dù giá cả có đắt hơn nhưng rốt cuộc đã bị lừa.
Nhiều ý kiến cho rằng lệnh cấm của UBND Tp. Đà Lạt thà muộn còn hơn là buông lỏng, để cho các tiểu thương gian lận thương mại muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên, quyết định nhân nhượng, dời ngày cấm cửa vào chợ đến 1/11 đã cho thấy sự thiếu cương quyết của Đà Lạt trong cách thức lập "hàng rào" với khoai tây Trung Quốc.

 

Trước hết, cần phải lên án các tiểu thương vô đạo đức đã cố tình "đánh lận con đen" giữa khoai tây Trung Quốc với hàng Đà Lạt, hại luôn cả người tiêu dùng Việt Nam ăn khoai kém chất lượng, độc hại và phá hoại ngành nông sản trong nước.

 

Nhưng lẽ ra, ngay khi có dấu hiệu gian lận của tiểu thương với khoai Trung Quốc từ vài năm trước, tỉnh Lâm Đồng phải nhanh chóng có lệnh cấm cửa, xử lý nghiêm chứ không phải để khó xử như bây giờ. Đây cũng là "căn bệnh" của nhiều địa phương khác có tình huống tương tự.

 

Chính vì vậy, hiện nay, một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng khoai tây tại chợ nông sản Đà Lạt tìm cách đối phó bằng cách rủ nhau ra ngoài thuê mặt bằng để tiếp tục kinh doanh khoai tây Trung Quốc vì văn bản chỉ cấm nhập loại khoai tây này vào chợ. 

 

Tại sao tỉnh Lâm Đồng không nghĩ đến phương án kiểm tra, xử lý đồng bộ quá trình "đội lốt" của khoai tây Trung Quốc trong toàn tỉnh chứ không riêng gì chợ nông sản Đà Lạt?

 

Liệu hành động nhân nhượng của UBND Đà Lạt khi dời ngày cấm khoai tây Trung Quốc có tạo điều kiện để các gian thương có thời gian đối phó? 

 

Đáng lẽ ngay từ đầu UBND Tp. Đà Lạt phải vững lập trường, dùng công cụ mạnh tay từ lực lượng quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân, trừng trị các gian thương lừa đảo nhằm chấm dứt triệt để kiểu làm ăn gian lận này càng nhanh càng tốt. Bởi vì càng dễ dãi thì gian thương sẽ càng lấn tới.

 

Cần biện pháp mạnh 

 

Hiện nay, không chỉ khoai tây mà hầu như nhiều loại nông sản khác của Trung Quốc đang ồ ạt nhập vào Việt Nam. Đa phần đó là các loại nông sản dạt, chất lượng trôi nổi, độc hại nhưng vẫn được nhiều gian thương gắn mác của nông sản Việt và các quốc gia khác.

 

Ngay như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là "vựa" nông sản của cả nước cũng phải chấp nhận sống chung với "lũ" nông sản Trung Quốc tràn ngập từ khắp các chợ đầu mối cho đến các chợ vùng nông thôn. 

 

Các mặt hàng củ, quả của Trung Quốc, nhiều nhất là hành tây, tỏi, khoai tây, gừng, su hào, lê, táo, lựu, nho… luôn áp đảo lượng nông sản do người dân ĐBSCL làm ra.

 

Có thể lý giải chuyện tràn ngập nông sản Trung Quốc nhờ vào sự "tiếp sức" của một số giới thương lái nội hám lợi, bất chấp đạo đức. Hậu quả là lượng trái cây của người dân ĐBSCL tiêu thụ chậm, không cạnh tranh được về giá cả.

 

Khi được tung ra thị trường, nông sản Trung Quốc thường "đội lốt" nông sản Mỹ, Thái Lan, Úc. Vậy nhưng hầu như chưa có địa phương nào dùng "hàng rào" cấm cửa như Đà Lạt hoặc sử dụng các hình thức răn đe gì mạnh tay. Lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan và các cơ quan quản lý khác đang đứng ở đâu trong vấn nạn này?

 

Với gian thương buôn nông sản Trung Quốc, khi đã "bóp" chỗ này thì họ sẽ phình chỗ khác. Cơ quan quản lý cần giải quyết ở phần gốc chứ không thể nhùng nhằng ở phần ngọn như cách làm của Đà Lạt hiện giờ.

 

Nguồn: Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang