Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, đối với ngành Dệt may, Việt Nam mới chỉ cung cấp được 0,2% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ sợi, 15 - 16% nhu cầu về vải, còn lại phải nhập khẩu từ các thị trường như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Mặt khác, theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có những Hiệp định thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA… Để được hưởng thuế suất ưu đãi từ các hiệp định này, Việt Nam phải chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng dệt may. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là các hiệp định này có những quy định về xuất xứ hàng hóa rất chặt chẽ. Nếu sợi, vải không được sản xuất từ các nước thành viên CPTPP, EVFTA, thì doanh nghiệp không được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, khâu sản xuất dệt, sợi và nhuộm đang là nút thắt cổ chai trong sản xuất dệt may của Việt Nam.
Để tạo xung lực cho ngành CNHT Dệt may phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, trong đó, dệt may là một trong những lĩnh vực thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển của Việt nam. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí các hoạt động nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ 50 - 75% đối với hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp CNHT dệt may còn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, thuế đất…
Trước những ưu đãi về phát triển lĩnh vực CNHT trong ngành Dệt may đem lại, năm 2019, Công ty TNHH Sợi Đà Lạt đã đầu tư hơn 50 triệu USD để xây dựng Nhà máy kéo sợi Len lông cừu đầu tiên tại Việt Nam, trên diện tích hơn 3,2 hecta, tại Cụm Công nghiệp Phát Chi (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Điểm khác biệt nổi bật nhất giữa sản phẩm sợi len lông cừu do Công ty Sợi Đà Lạt sản xuất với các nhà máy dệt khác trong nước chính là hệ thống sản xuất được áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới và sử dụng nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời, với công suất 2,04 MWp.
Sản phẩm của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt được đánh giá thân thiện môi trường, phù hợp với các quy định xuất khẩu mới
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đánh giá: “Nhà máy kéo sợi Len lông cừu của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn Châu Âu là rất phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của ngành Dệt may. Sản phẩm sợi len lông cừu từ nhà máy sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành để dệt vải, may mặc hoặc đan những sản phẩm thời trang len cao cấp. Việc nhà máy đi vào sản xuất đã và đang góp phần bổ sung nguồn cung thiếu hụt trong ngành Dệt may Việt Nam hiện nay, đồng thời đáp ứng được quy tắc xuất sứ “từ sợi trở đi” (Yarn Forwards) trong Hiệp định Thương mại tự do CPTPP”.
Sau hơn 05 năm đi vào hoạt động, Công ty Sợi Đà Lạt đã tiến hành sản xuất cả sợi tự nhiên và sợi tổng hợp thuần len, hoặc pha len được sử dụng cho dệt thoi, dệt kim tròn, dệt kim phẳng, dệt vớ và sợi kỹ thuật. Cho đến nay, Công ty đang khẳng định là doanh nghiệp CNHT chủ lực phục vụ ngành Dệt may khi đã sản xuất được 8.211 tấn sợi len với tổng doanh thu gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, 50% sợi len lông cừu thành phẩm được xuất khẩu bán ra thế giới, số còn lại phục vụ cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Sản phẩm sợi len lông cừu do Công ty cung cấp ra thị trường có nhiều ưu điểm nổi bật như: Đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng; An toàn với da bởi tính chất “sạch” từ chất liệu đến quy trình sản xuất; Bề mặt len mềm mịn, đem lại cảm giác dễ chịu hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại khác; Sợi len có độ bền cao và giữ màu sắc bền đẹp. Đặc biệt, các sản phẩm của Sợi Đà Lạt được đánh giá thân thiện với môi trường, đáp ứng được những tiêu chuẩn sinh thái bao gồm: ZDHC, bluesign®, OEKO-TEX, cùng các chứng nhận truy xuất như GOTS, IVN Best, GRS, RWS…, qua đó phù hợp với các quy định xuất khẩu mới.
Nhà máy Sợi Đà Lạt cam kết hướng đến những giải pháp bền vững và thúc đẩy ngành CNHT Dệt may phát triển
Ông Karol Sieradzki – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt khẳng định: Nhà máy kéo sợi len lông cừu đi vào hoạt động đã không chỉ tạo ra lượng lớn việc làm cho người lao động địa phương, mà còn góp phần phát triển mạnh mẽ ngành CNHT Dệt may Việt Nam. Với chiến lược đầu tư kinh doanh lâu dài, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc hiện đại, cũng như kết nối chuyển giao công nghệ phụ trợ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sợi len chất lượng cao, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Sợi Đà Lạt tự hào là một trong những doanh nghiệp CNHT đầu tiên góp phần giải quyết vấn đề về nguồn cung sợi len đang thiếu hụt của ngành Dệt may Việt Nam.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy CNHT kéo sợi len thứ 2 tại thành phố Đà Lạt có công suất 2.000 tấn sợi len/năm, qua đó nâng tổng công suất nhà máy lên 5.000 tấn/năm. Đặc biệt, Công ty TNHH Sợi Đà Lạt cũng đang triển khai dự án Nhà máy nhuộm Sợi len tại khu công nghiệp Du Long (tỉnh Ninh Thuận) để từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng sợi len lông cừu tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành nhà máy vào đầu năm 2025, doanh nghiệp chúng tôi sẽ sản xuất sợi len được nhuộm màu với chất lượng hoàn hảo để bổ sung thêm nguồn cung đang thiếu hụt trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Nhà máy nhuộm sợi len cũng sẽ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời và điện gió dồi dào trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.” – ông Karol Sieradzki – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt cho biết thêm.
Với quyết tâm vươn lên trở thành doanh nghiệp CNHT tiên phong, đại diện cho thương hiệu dệt sợi len Việt Nam sản xuất theo tôn chỉ Biobalance (nghĩa là phát triển xanh, cân bằng hệ sinh thái), thời gian tới, Công ty Sợi Đà Lạt sẽ tiếp tục chú trọng tới công tác xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng xu thế phát triển của ngành Dệt may. Đồng thời, luôn hướng tới việc kết nối chuỗi cung ứng, khơi gợi cảm hứng và tạo cơ hội chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm và công nghệ mới để thúc đẩy ngành CNHT Dệt may trong nước nước phát triển. Ngoài ra, Sợi Đà Lạt cũng luôn nỗ lực trong việc sản xuất sạch hơn thông qua ứng dụng các máy móc thiết bị hiện đại nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải nước, rác, điện, khí nhà kính, cũng như tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng bền vững.
Anh Tuấn