Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm sâu
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP. Đà Nẵng tháng 8/2020 giảm 5,5% so với tháng 7/2020, và giảm tới 20% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp Đà Nẵng giảm sâu ở mức 10,8%. Trong đó, những ngành sản xuất quan trọng như công nghiệp chế biến chế tạo giảm 10,9%, may mặc giảm 36,3%.... Điểm sáng của công nghiệp Đà Nẵng 8 tháng đầu năm đó là thực phẩm như thịt cá đông lạnh, mỳ phở miến bún… tăng điểm, còn lại hầu hết đều giảm.
8 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 2.800 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.621 tỷ đồng, giảm 27,8% về số lượng và 23,2% về số vốn so với cùng kỳ 2019. Có tới 530 doanh nghiệp giải thể và 1.594 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng, hiện có 145 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid – 19 đợt 2. Trong đó, có 38 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, giãn thời gian, 22 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do khó khăn về nguyên liệu, đầu ra sản phẩm.
Công ty Bích Hạnh bị chậm tiến độ giao hàng cho đối tác do gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào
Hụt nguyên liệu đầu vào, thiếu đơn hàng cho đầu ra
Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh Đà Nẵng đang “khóc ròng” vì chậm tiến độ giao hàng cho khách hàng bởi nguyên liệu về chậm. “Hơn 50% nguyên vật liệu, linh kiện sản xuất của công ty chúng tôi nhập khẩu từ Châu Âu. Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, dù giao thương không bị ngăn cấm, nhưng thông thương rất chậm. Nguyên liệu về chậm khiến tiến độ giao hàng của chúng tôi cho đối tác bị chậm tiến độ”, ông Huỳnh Ngọc Trung – Giám đốc công ty chia sẻ và cho biết thêm giao hàng bị chậm tiến độ có đối tác thông cảm, nhưng cũng có đối tác làm theo hợp đồng nên công ty phải bồi thường chi phí chậm tiến độ. "Kinh doanh cũng phải có nguyên tắc, nên công ty cũng không thể trách đối tác. Chúng tôi giao hàng chậm tiến độ thì thi công của đối tác cũng bị chậm tiến độ", ông Trung nói.
Không chỉ khó khăn về nguyên liệu, để tăng năng suất lao động trong bối cảnh Covid – 19 diễn biến phức tạp công ty vẫn cố gắng đầu tư máy cắt Laser hơn 2,2 tỷ đồng nhưng máy về cảng nằm cả tháng mới về đến công ty. “Giờ máy về vẫn chưa vận hành được bởi chuyên gia từ Trung Quốc chưa sang được nên chưa chuyển giao công nghệ và vận hành hoạt động. Mặc dù rất lãng phí, doanh nghiệp rất xót nhưng cũng phải cố gắng chịu”, ông Trung cho hay. Cũng theo ông Trung, toàn bộ đơn hàng xuất khẩu của công ty đã được đẩy lùi sang năm 2021, trong năm 2020 công ty sẽ cố gắng hoàn thành các đơn hàng của các đối tác lớn trong nước. “May mắn là chúng tôi không thiếu đơn hàng. Thị trường trong nước chiếm 80% thị phần kinh doanh của công ty nên chúng tôi kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán nguyên liệu và sớm vận hành thiết bị máy Laser mới đầu tư để hoàn thành đúng tiến độ các đơn hàng của các đối tác lớn trong nước”, ông Trung thông tin.
Còn công ty TNHH Công nghệ nhà tự động thì lại “chật vật” vì thiếu đơn hàng cho đầu ra. “Sản phẩm của công ty chúng tôi chủ yếu phục vụ cho các công trình biệt thự, resort. Dịch Covid – 19 quét qua 2 lần, xây dựng thì đình trệ, du lịch thì ngừng hoạt động nên doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng”, bà Võ Thị Hồng Trang – Đại diện công ty chia sẻ. Theo bà Trang, sắp tới, công ty sẽ tiếp cận và mở rộng thị trường ra các tỉnh. “Vì dịch bệnh là khó khăn chung, không phải của riêng mình nên công ty sẽ cố gắng để hoạt động. Riêng đối với các dự định dài hơi tạo ra các sản phẩm, mẫu mã mới phải dời sang năm 2021. Trước mắt công ty sẽ tập trung cho việc đầu tư thêm một số máy móc thiết bị để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hiện tại và tìm kiếm đơn hàng”, bà Trang cho hay.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất không khó khăn về đầu vào và đầu ra của sản phẩm nhưng lại ở vùng tâm dịch buộc phải ngừng sản xuất gây ảnh hưởng đến tiến độ các đơn hàng
Không khó khăn về đơn hàng đầu ra hay nguyên liệu đầu vào nhưng nhiều doanh nghiệp cũng “lao đao” vì nằm ở tâm dịch, buộc phải tạm dừng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Nhị - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thắng cho biết đợt dịch Covid – 19 lần 1 đơn vị đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất trong tháng 5/2020 và trở lại hoạt động từ đầu tháng 6/2020. Hoạt động mới dần ổn định trở lại thì dịch đợt 2 bùng phát. Và vị trí đặt công ty lại nằm ngay trong khu vực có nhiều ca nhiễm Covid – 19, phải thực hiện phong tỏa, bất đắc dĩ, công ty cũng phải tạm dừng hoạt động theo lệnh phong tỏa để đảm bảo an toàn cho người lao động. “Đợt 1 thì thiếu đơn hàng, đợt 2 thì ở ngay tâm dịch. Dù đã hoạt động trở lại để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, nhưng kế hoạch kinh doanh của năm nhiều khả năng không hoàn thành”, bà Nhị chia sẻ.
Công ty TNHH Chế biến, Kinh doanh, Xuất nhập khẩu Hương Quế Đà Nẵng là một điển hình của việc thay đổi và chủ động thích ứng khi đơn vị đã chủ động chuyển từ sản xuất hàng lót giày hương quế sang may khẩu trang vải kháng khuẩn để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, dịch Covid – 19 đợt 2 đơn vị vẫn phải tạm dừng hoạt động. “Đơn hàng chúng tôi không thiếu nhưng do dịch bệnh bùng phát mạnh nên công ty chúng tôi buộc phải cho người lao động tạm nghỉ để đảm bảo an toàn. Do các đơn hàng quá gấp nên cuối tháng 8/2020 Công ty chúng tôi đã hoạt động trở lại, tuy nhiên, thiệt hại trong thời gian dịch bệnh là rất lớn”, ông Sơn cho hay.
Theo báo Công Thương