Thứ Bẩy, 05/10/2024 07:12:58 GMT+7
Lượt xem: 150

Tin đăng lúc 26-08-2024

Đà Nẵng hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Nhờ ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, thành phố Đà Nẵng đã và đang chủ động phòng ngừa thiên tai từ sớm, từ xa, góp phần hạn chế thiệt hại trong đời sống xã hội. Song, trước diễn biến cực đoan của thời tiết, việc tăng cường chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai là rất cần thiết.
Đà Nẵng hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo thiên tai
Giám đốc Công ty cổ phần WATEC Văn Phú Chính giới thiệu trạm đo mưa tự động Vrain

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, do tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây thiên tai khốc liệt, cực đoan, bất thường ngày càng xảy ra nhiều hơn. Thực tế này đòi hỏi phải không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai.

 

Giải pháp then chốt và hiệu quả

 

Không còn là chuyện “bắc thang lên hỏi ông trời”, người dân Đà Nẵng từ thành thị đến nông thôn ngày nay đã chủ động ứng phó mưa bão hiệu quả hơn, được “đếm mưa, đếm gió” nhờ tiếp cận qua điện thoại những thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai dễ hiểu và kịp thời của các đơn vị, tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn.

 

Nhớ lại trận mưa lịch sử năm 2022, ông Nguyễn Hải Lý, Bí thư Chi bộ thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), chỉ vào chiếc điện thoại thông minh của mình nói: “Hồi mưa lụt đó, trong ứng dụng Danang Smart City này, có thông báo cảnh báo mưa lớn liên tục. Tôi cũng xem được bản đồ lượng mưa trong này cho nên chủ động cất, gác được đồ đạc”.

 

Theo Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ Phạm Văn Chiến, đến nay, thiên tai ảnh hưởng trên phạm vi rộng như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn diện rộng, lũ lụt và các tác động kèm theo được cảnh báo sớm trước hai đến ba ngày về khả năng ảnh hưởng đến khu vực. Các loại hình thiên tai xảy ra cục bộ trong phạm vi hẹp như: Dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ,... được cảnh báo ngay sau khi phát hiện nguy cơ.

 

Trong suốt 30 năm đối mặt với mưa gió, bão bùng của thiên nhiên, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ.

 

Khi phát hiện hệ thống thời tiết có nguy cơ gây mưa lớn, bản tin cảnh báo sẽ được thực hiện trước thời điểm xuất hiện mưa hai đến ba ngày, bao gồm: Thời gian mưa, tổng lượng mưa và khu vực xảy ra. Đến khi xuất hiện mưa lớn, công tác dự báo định lượng chi tiết lượng mưa được thực hiện với các thông tin cụ thể về vị trí, lượng mưa trong 24 giờ tới theo thời đoạn mưa từ ba đến sáu giờ.

 

Trong suốt 30 năm đối mặt với mưa gió, bão bùng của thiên nhiên, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ.

 

Đến nay, khu vực từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Quảng Ngãi có 144 trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn và đo mưa tự động theo công nghệ châu Âu, cung cấp dữ liệu cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ dự báo. Các hệ thống quan trắc Radar Doppler được nâng cấp theo công nghệ mới của Mỹ, bảo đảm thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn.

 

Ông Chiến cho biết thêm: “Đến nay, từ hệ thống quan trắc nặng tính thủ công đã chuyển sang các hệ thống quan trắc tự động. Công tác dự báo, ứng dụng công nghệ dự báo số cũng đã được triển khai trong nhiều năm qua. Nhiều công cụ hiện đại được sử dụng hỗ trợ trong tác nghiệp dự báo thời tiết. Nhờ đó, các loại hình thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng, thủy văn đều được dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời”.

 

Sự phát triển đúng tầm, đúng lúc của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ là một trong những động lực mạnh mẽ đằng sau những kết quả phòng, chống thiên tai của Đà Nẵng trong thời gian qua. Song, góp phần trong việc xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai còn có sự phát triển tích cực của thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn trên địa bàn thành phố; trong đó, không thể không nhắc đến 31 trạm mưa tự động Vrain tại Đà Nẵng do Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) phát triển.

 

Sau đợt ngập lụt vào tháng 10/2022, từ chủ trương của chính quyền thành phố, WATEC đã cùng các doanh nghiệp công nghệ số khác trên địa bàn phát triển bản đồ mức mưa, ngập nước theo thời gian thực, tích hợp vào ứng dụng Danang Smart City để phục vụ người dân. Nhưng để theo dõi được lượng mưa theo thời gian thực, WATEC đã phải dày công “nuôi nấng” hoài bão công nghệ đo mưa, đột phá cách nghĩ, cách làm trong quan trắc khí tượng thủy văn.

 

“Trước đây, việc thiếu trạm đo mưa, không có thông tin về lượng mưa luôn là vấn đề lớn trong phòng chống thiên tai. Thùng đo mưa thủ công tuy đơn giản, thô sơ, nhưng nó là một đòi hỏi của thực tiễn”, Giám đốc Công ty WATEC Văn Phú Chính nói. Ông cũng cho rằng, dự báo, cảnh báo thiên tai muốn hiệu quả cần phải làm dày mạng lưới trạm đo và phát triển công nghệ theo xu hướng tự động hóa.

 

Chi tiết hóa bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai

 

Tình hình thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua cho thấy, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất là các loại hình thiên tai điển hình thường xảy ra hoặc có nguy cơ trực tiếp và ảnh hưởng đến thành phố, nhất là nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất đá đồi núi và ngập úng đô thị đang hiện hữu, ngày càng gia tăng và khó dự đoán. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, làm tần suất và cường độ các loại hình thiên tai nêu trên diễn biến bất thường và cực đoan.

 

Thực tế trong công tác phòng chống thiên tai cho thấy, tâm lý chủ quan và suy nghĩ “thiên tai sẽ không xảy ra với mình” ở người dân phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác và kịp thời, đến khi người dân nhận ra nguy hiểm bằng tai, mắt… thường đã quá muộn. Vì vậy, ứng dụng khoa học-công nghệ không chỉ trong mô hình dự báo, thiết bị quan trắc, mà còn trong phương thức truyền tải thông tin.

 

Theo ông Chiến, do lũ quét và sạt lở đất thường xảy ra trong phạm vi hẹp, cộng thêm việc dự báo mưa - nhân tố chính gây ra các hiện tượng này, còn nhiều khó khăn trong dự báo định lượng trên quy mô nhỏ, vì tính chất phức tạp của quá trình mưa. “Việc ước lượng và dự báo chính xác được lượng mưa rơi xuống một địa điểm và tại thời điểm nào vẫn luôn là thách thức trong khoa học dự báo thời tiết ở Việt Nam và trên cả thế giới hiện nay”, ông Chiến nói.

 

Thực tế trong công tác phòng chống thiên tai cho thấy, tâm lý chủ quan và suy nghĩ “thiên tai sẽ không xảy ra với mình” ở người dân phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu thông tin chính xác và kịp thời, đến khi người dân nhận ra nguy hiểm bằng tai, mắt… thường đã quá muộn.

 

Vì vậy, trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về công nghệ quan trắc hiện nay, ứng dụng khoa học-công nghệ không chỉ trong mô hình dự báo, thiết bị quan trắc, mà còn trong phương thức truyền tải thông tin.

 

Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra một số mục tiêu cụ thể trong truyền thông và chuyển đổi số khí tượng thủy văn, cụ thể như: Dự báo khí tượng thủy văn hằng ngày trong điều kiện bình thường có độ tin cậy đạt 80-85%; phấn đấu đạt từ 95-100% bản tin dự báo, cảnh báo do ngành khí tượng thủy văn ban hành được truyền tải đầy đủ, kịp thời đến chính quyền địa phương cấp xã, hộ gia đình, nhất là tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai khí tượng thủy văn, ít nhất đạt 90% chính quyền các cấp, hộ gia đình có hiểu biết cơ bản về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;...

 

Tại Đà Nẵng, nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai thời gian qua đã được Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ chi tiết hóa đến cấp quận/huyện, phường/xã, thể hiện trực quan, dễ hiểu qua hình ảnh, bản đồ, sơ đồ, đồ thị; đa dạng hóa hình thức cung cấp thông tin đến các ban, ngành, địa phương và cộng đồng từ cổng thông tin, email đến các nền tảng mạng xã hội.

 

Bên cạnh đó, việc cho phép người dân có thể theo dõi lượng mưa theo thời gian thực trong ứng dụng Danang Smart City đã tạo ra một giá trị cộng đồng dựa trên nền tảng công nghệ trong phòng chống thiên tai, giúp người dân ứng phó kịp thời trước những trận mưa lớn.

 

Ông Chính chia sẻ: “Từ năm 2016, tôi đã nghĩ tới việc phát triển ứng dụng điện thoại để người dân có thể xem được lượng mưa, nhưng tám năm trước làm một ứng dụng rất khó khăn. Giờ đây, chúng tôi đã phục vụ được cho cộng đồng”.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang