Chi nhánh Công ty Acecook Việt Nam chuyên sản xuất mì ăn liền đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng với hơn 300 người làm việc. Công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị cho phương án “3 tại chỗ”, đó là ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ. Trước mắt, một số lao động ở tỉnh Quảng Nam đi về trong ngày đã thuê được nhà trọ tại Đà Nẵng.
Ông Võ Thành Nam, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Chi nhánh Công ty Acecook Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã sắp xếp lại các phòng làm việc, sử dụng hội trường làm chỗ ở cho người lao động. Tuy nhiên, do hội trường không đủ chỗ cho 200 người ở lại, công ty phải đặt mua giường tầng để tiết kiệm không gian.
“Hiện nay, công ty đã đặt mua giường rồi nhưng thời gian giao hàng bên nhà cung cấp phải mất 1 tuần đến 10 ngày nữa họ mới giao hàng. Hiện nay, hội trường công ty không đủ để 200 người ở nếu trải chiếu cho nên phải có giường tầng, mỗi giường 2 người mới ở được”, ông Võ Thành Nam cho biết.
Thực tế, hiện nay, phương án sản xuất “3 tại chỗ” không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng triển khai được. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, rất khó để áp dụng phương án này, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, mặt bằng chật hẹp. Hai năm nay, dù ảnh hưởng dịch Covid-19, công ty của ông vẫn duy trì sản xuất và giữ được tăng trưởng, nhưng hiệu quả kinh tế liên tục sụt giảm do chi phí sản xuất tăng. Giá vận chuyển container liên tục tăng, có thời điểm tăng gấp 8 lần, các giá vật tư, nhiên liệu, dịch vụ cũng “té nước theo mưa” tăng giá phi mã.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, doanh nghiệp duy trì được sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là điều rất khó khăn. Để bố trí nơi ăn, nghỉ sinh hoạt tại chỗ cho 2.000 công nhân trong thời điểm hiện nay, công ty buộc phải đầu tư một khoản kinh phí lớn để cải tạo nơi ăn nghỉ, chưa kể tới nguy cơ lây lan dịch bệnh là khó tránh khỏi.
“Phương án 3 tại chỗ cực kỳ tốn kém vì trong doanh nghiệp đâu có chỗ cho cả ngàn người ở, mà ở trong doanh nghiệp từ ăn ở, sinh hoạt quản lý không phải dễ. Mà bệnh đâu chỉ có Covid-19, nếu ở đông như vậy tại một chỗ, có bệnh khác phát sinh như dịch tả thì cũng nguy hiểm hơn nhiều. Công ty vẫn trong tư thế sẵn sàng khi cần thiết sẽ kích hoạt. Hiện nay, mình cũng chỉ mới tăng cường cao hơn, mỗi công nhân phải thực hiện cam kết đi làm về không được ghé đâu hết”, ông Trần Văn Lĩnh nói.
Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 500 doanh nghiệp với hơn 77.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn có cả chục ngàn công nhân.
Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm nay, hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng mới chuẩn bị phương án “3 tại chỗ” chứ chưa thực hiện nhiều. Một vài doanh nghiệp cũng đã bắt đầu triển khai nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành, trong đó, qui định để doanh nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” rất khó áp dụng. Các phương án này chỉ phù hợp đối với doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, vài trăm lao động, còn doanh nghiệp từ 1.000 người trở lên rất khó thực hiện.
Ông Trần Văn Tỵ cho biết thêm, hiện nay, một số doanh nghiệp có kế hoạch chọn phương án “1 cung đường 2 điểm đến”, thuê khách sạn, chỗ ở để bố trí cho công nhân ở và phương tiện để đưa đón công nhân đi lại. Các phương án này cũng rất tốn kém, vì giá khách sạn cao và thiếu phương tiện đưa đón.
“Doanh nghiệp làm nhà máy cũng chủ yếu phục vụ sản xuất, ưu tiên nơi nhập hàng hóa, kho bãi chứ không phải lo chỗ ở. Quy định của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khắt khe quá, rất khó, để triển khai chi tiết hoàn toàn không đơn giản. Chỗ ở phải đảm bảo các điều kiện thông gió, thoáng khí… để đáp ứng điều kiện đó cần có thời gian và nhiều nguồn lực. Đây là việc hoàn toàn mới, mình cũng chỉ biết xử lý tình huống”, ông Trần Văn Tỵ cho hay./.
Theo Vov.vn