Chủ Nhật, 24/11/2024 05:27:21 GMT+7
Lượt xem: 1512

Tin đăng lúc 12-08-2021

Đà Nẵng lạc quan đưa ra các kịch bản kinh tế tăng trưởng dương

Kinh tế TP. Đà Nẵng tháng 7/2021 dưới tác động tiêu cực của dịch Covid – 19 có dấu hiệu giảm điểm ở tất cả các lĩnh vực, kéo tăng trưởng 7 tháng đầu chậm lại. Dù vậy, với các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch Covid – 19, chính quyền thành phố vẫn lạc quan đưa ra 3 kịch bản kinh tế cho năm 2021 đều cho kết quả GRDP tăng trưởng dương.
Đà Nẵng lạc quan đưa ra các kịch bản kinh tế tăng trưởng dương
Kim ngạch xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng nhất của kinh tế Đà Nẵng 7 tháng đầu năm 2021 khi thặng dư thương mại đạt 224,6 triệu USD, cao nhất trong nhiều năm gần đây kể từ năm 2015

Tăng trưởng các lĩnh vực kinh tế có dấu hiệu giảm điểm

 

Dịch Covid – 19 tái bùng phát tại TP. Đà Nẵng từ đầu tháng 5/2021 và bùng phát mạnh mẽ từ ngày 10/7 đến nay đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế thành phố. Theo BCĐ Phòng chống dịch Covid – 19 TP. Đà Nẵng, từ ngày 3/5 đến hết ngày 10/8, TP. Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 1.700 ca mắc Covid – 19; đặc biệt chỉ trong 1 tháng (từ ngày 10/7 – 11/8), TP. Đà Nẵng đã ghi nhận gần 1.500 ca mắc Covid – 19 mới. Các ca mắc Covid – 19 rải ở khắp tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiều ca mắc Covid – 19 đến từ các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, khu thương mại….

 

Tác động tiêu cực của dịch Covid – 19 dần bộc lộ khi tất cả các chỉ số tăng trưởng ở các lĩnh vực kinh tế trong tháng 7/2021 đều đồng loạt quay đầu giảm điểm so với tháng 6/2021.

 

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp tháng 7/2021 ước giảm 4,9%, chỉ số tiêu thụ tiếp tục giảm 3,8%, chỉ số tồn kho tăng 3,4%, chỉ số sử dụng lao động có xu hướng giảm do doanh nghiệp áp dụng phương án giãn ca để phòng dịch.

 

Thương mại dịch vụ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7/2021 đạt 5.044 tỷ đồng, giảm 1,2%; doanh thu ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ bằng 63,1% so với tháng trước; thu hút được 9 dự án đầu tư mới nhưng vốn đăng ký nhỏ….

 

Các chỉ số kinh tế tháng 7/2021 giảm kéo các chỉ số kinh tế 7 tháng đầu năm cũng chững lại và giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên vẫn tăng so với cùng kỳ 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Đà Nẵng 7 tháng đầu năm tăng 3,4% so với cùng kỳ 2020 (6 tháng đầu năm tăng 3,8% so với 2020), chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,9% (6 tháng đầu năm tăng 9,8%). Điểm sáng của kinh tế Đà Nẵng tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục là đà tăng của thương mại dịch vụ. Ngoại trừ nhóm lĩnh vực dịch vụ du lịch vẫn tăng trưởng âm, còn tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, vận tải, xuất nhập khẩu để có mức tăng trưởng ổn định.

 

So với cùng kỳ 2020, 7 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa uớc đạt 37.922 tỷ đồng, tăng 14,6%, tổng doanh thu ngành vận tải tăng 0,9%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,745 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 985,1 triệu USD tăng 19,7%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 760,5 triệu USD, tăng 13,4%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu với thặng dư thương mại đạt 224,6 triệu USD – dấu hiệu tích cực trong khi cán cân thương mại cả nước có dấu hiệu nghiêng về nhập siêu.

 

3 kịch bản điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021

 

Trong 2 ngày 12&13/8, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X sẽ tổ chức kỳ họp thứ 2, trong đó sẽ xem xét quyết định và thông qua kịch bản kinh tế cho năm 2021 phù hợp với tình hình và khả năng thực tế của thành phố trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

 

Dự kiến, UBND TP. Đà Nẵng sẽ trình HĐND thành phố 3 kịch bản kinh tế. Trong đó, trong điều kiện thuận lợi nhất khi dịch Covid – 19 nhanh chóng được kiểm soát, TP. Đà Nẵng sẽ đặt mục tiêu GRDP 6 tháng cuối năm tăng 7%, đưa GRDP cả năm 2021 tăng 6%. Tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế lần lượt là Thương mại – Dịch vụ 6,3%, Công nghiệp – Xây dựng 4,4%; nông lâm & thủy sản là 1,2%.

 

Kịch bản 2 trong điều kiện chưa thuận lợi, dự kiến đến cuối quý III/2021 mới kiểm soát, kỳ vọng GRDP 6 tháng cuối năm sẽ đạt mức tăng gần 5%. Trong trường hợp này, GRDP cả năm sẽ tăng 4,5 – 5% so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng các khu vực Dịch vụ - Thương mại; Công nghiệp - Xây dựng; Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản lần lượt là 5,2%, 3,2% và 1,2%.

 

Trong điều kiện xấu nhất, đến đầu quý IV/2021 nếu dịch Covid – 19 chưa kiểm soát được, mức tăng GRDP 6 tháng cuối năm sẽ thấp hơn 3,5%; kéo theo GRDP cả năm ước tăng dưới 4%.

 

 

TP. Đà Nẵng đưa ra 3 kịch bản kinh tế năm 2021 với GRDP đều tăng trưởng dương

 

Dựa vào tình hình dịch Covid – 19 đến thời điểm hiện tại vẫn diễn biến phức tạp, khả năng Đà Nẵng đạt tăng trưởng kinh tế như kịch bản 1 (trong trường hợp tốt nhất) là rất khó khăn. Và nếu không nhanh chóng kiểm soát tốt dịch Covid – 19, kinh tế Đà Nẵng vẫn có nguy cơ tăng trưởng thấp lại như kịch bản 3.

 

Theo dự thảo tờ trình HĐND về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2021, để đạt mức tăng trưởng kinh tế tốt nhất có thể, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, quan trọng nhất là quyết liệt kiểm soát và nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid – 19; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển TP. Đà Nẵng; tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư….

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang